Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; tích cực, chủ động hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ để phù hợp với thực tiễn triển khai, đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Cụ thể kết quả đạt được: 

Số người tham gia: BHXH là 17,485 triệu người, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHTN là 14,290 triệu người, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHYT là 90,897 triệu người, tăng 4,358 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số.

 Dự kiến số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2023 là 220.688 tỷ đồng, tăng 21.398 tỷ đồng (10,74%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt 46,04% kế hoạch tạm giao.

Giải quyết cho 37.001 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, giảm 4,33% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 26.602 người hưởng lương hưu); 665.423 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng 12,69% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 573.214 người hưởng BHXH một lần); 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (giảm 27,12% so với cùng kỳ năm 2022); 499.824 người hưởng các chế độ BHTN.

Cả nước có khoảng 82,988 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022).

Ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị (bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong công tác cải cách TTHC; bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với người dân.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục: “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHTN, BHYT cơ bản đều tăng so với cùng kỳ; việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người thụ hưởng; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng kế hoạch theo nội dung tại Đề án 06 của Chính phủ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; tăng cường hợp tác quốc tế; tích cực xây dựng, sửa đổi các quy trình, quy chế; kỷ luật, kỷ cương được đảm bảo…

Bên cạnh đó cùng còn số ít tồn tại, hạn chế đó là: Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT có xu hướng tăng trưởng chậm, mặc dù tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn giảm so với cuối năm 2022; số người tham gia BHXH tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng; số lượt người KCB BHYT và chi phí KCB BHYT tăng khá cao trong 6 tháng đầu năm 2023; một số địa phương, công tác phối hợp trong truyền thông và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa được thường xuyên, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá trong công tác tuyên truyền, vận động. 

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.

Trong nước, tuy hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn song nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đã và đang phát huy tác động tích cực. Mặc dù vậy, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 vẫn là thách thức rất lớn. Thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT, đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023; toàn Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm, thống nhất phương châm hành động trong toàn Ngành: "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả"đề ra mục tiêu: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,2%; tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 40,2%; tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN đạt 31,7%; 100% dịch vụ công của Ngành được thực hiện ở mức độ 4; ngành BHXH Việt Nam đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 đó là:

Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành. 

 Thứ hai, chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Thứ tư, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác TTKT đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng các hình thức cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL Quốc gia về bảo hiểm; ...

Thứ tám, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm vi phạm; phương châm hành động trong toàn Ngành là: "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả".

An Long