(Ảnh minh họa, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

* Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp: Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải căn cứ nội dung ghi trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp để có kế hoạch cung ứng kịp thời, đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng.

* Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh được đầu tư, xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng và bảo quản. Quá trình quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, kho vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các quy định tại Điều 16 Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ và tiền chất thuốc nổ. Không được sử dụng kho vật liệu nổ công nghiệp vào mục đích khác trong thời hạn hiệu lực quy định của Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

* Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ các quy định tại Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số QCVN 01:2019/BCT về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (QCVN 01:2019/BCT).

* Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

- Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ theo các quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

- Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo đúng chủng loại, số lượng, khung thời gian khởi nổ, thời hạn sử dụng và vị trí, phạm vi được ghi trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và trong văn bản thông báo sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá số lượng ghi trong giấy phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đối với trường hợp nhiều đơn vị nổ mìn ở gần nhau, có chồng lấn về bán kính an toàn khi nổ mìn phải tuân thủ theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 32 Thông tư số 32/2019/TT-BCT ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.

* Dịch vụ nổ mìn

- Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn phải đảm bảo các điều kiện, có quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

- Các tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ nổ mìn có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

- Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn để khai thác mỏ, phá đá công trình phải tuân thủ định mức khối lượng và phụ kiện nổ phù hợp thiết kế khai thác mỏ, phương án nổ mìn đã được phê duyệt.

* Hủy vật liệu nổ công nghiệp

- Vật liệu nổ công nghiệp được phép hủy, tổ chức thực hiện việc hủy vật liệu nổ công nghiệp phải có phương án đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trước khi hủy vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 Mục 4 Chương II QCVN 01:2019/BCT.

- Việc hủy vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 31 Mục 4 Chương II QCVN 01:2019/BCT.

- Trường hợp không rõ về vật liệu nổ công nghiệp cần tiêu hủy hoặc không nắm được phương pháp tiêu hủy, tổ chức, doanh nghiệp được phép tiêu hủy phải liên hệ với nhà cung ứng vật liệu nổ công nghiệp để được hướng dẫn hoặc hỗ trợ dịch vụ tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.

* Quy định thời gian nổ mìn: Thời gian được phép tiến hành nổ mìn được tổ chức, doanh nghiệp xác định trong phương án nổ mìn đã được phê duyệt. Thời gian không được phép tiến hành nổ mìn:

- Tết Nguyên đán (âm lịch): từ ngày 25 tháng 12 âm lịch năm trước đến hết ngày 05 tháng 01 âm lịch của năm sau.

- Các ngày nghỉ lễ theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan: Trước ngày nghỉ lễ 01 (một) ngày, trong thời gian nghỉ lễ và sau ngày nghỉ lễ 01 (một) ngày.

- Những trường hợp khác: Trong một số trường hợp đặc biệt, Sở Công Thương hoặc Công an tỉnh sẽ có thông báo bằng văn bản việc không được tiến hành nổ mìn trong một khoảng thời gian nhất định.

* Giám sát ảnh hưởng nổ mìn

- Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập thiết kế hoặc phương án nổ mìn và tổ chức thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Việc giám sát các ảnh hưởng nổ mìn được thực hiện đối với bãi nổ đầu tiên tại công trình, hạng mục công trình được phép thi công.

- Chậm nhất 15 ngày trước khi nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải gửi thiết kế hoặc phương án nổ mìn về Sở Công Thương để tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoặc để tổ chức phê duyệt theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Hoạt động đo giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn phải được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có chức năng và đủ năng lực thực hiện.

- Việc giám sát ảnh hưởng nổ mìn chỉ được thực hiện khi có sự chứng kiến của đại diện Sở Công Thương. Trường hợp thực hiện giám sát ảnh hưởng nổ mìn do phát sinh khiếu nại, có thể mời thêm đại diện của các sở, ban, ngành tỉnh có chức năng liên quan, chính quyền địa phương và người khiếu nại hoặc đại diện hợp pháp cùng tham gia chứng kiến.

* Báo cáo trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

- Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 13/2018/TT-BCT và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành.

- Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện báo cáo đột xuất theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 13/2018/TT-BCT.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2024./.

Trung Đông