Bước 1: Lựa chọn và xác định nội dung truyền thông dự thảo chính sách

Lựa chọn và xác định nội dung truyền thông dự thảo chính sách là khâu đầu tiên của hoạt động truyền thông dự thảo chính sách. Từ đây, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL sẽ xác định, lựa chọn được các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông. Việc xác định dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội dựa trên đáp ứng đủ 04 tiêu chí.

a) Đối với giai đoạn lập đề nghị xây dựng VBQPPL

Nội dung truyền thông sẽ phải bám sát 05 nội dung cơ bản của đánh giá tác động chính sách (tác động kinh tế, tác động xã hội, tác động giới, tác động thủ tục hành chính và tác động thi hành pháp luật). Phạm vi nội dung truyền thông còn phụ thuộc vào hình thức và đối tượng lấy ý kiến. Để hoạt động đánh giá tác động có chất lượng, những nội dung chính sau cần được truyền thông:

- Lợi ích và thiệt hại kinh tế của dự thảo chính sách (lưu ý mỗi nhóm đối tượng sẽ có những quan điểm, số liệu khác nhau về nội dung này).

- Khả năng tuân thủ của người dân, tổ chức khi thực hiện một yêu cầu của chính sách, giải pháp chính sách và thủ tục hành chính (bao gồm thời gian, các bước thủ tục, quy trình, chi phí.).

- Chi phí của bộ máy nhà nước trong việc thực thi chính sách, giải pháp chính sách (bao gồm thời gian, nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình, thủ tục.).

- Các tác động tích cực và tiêu cực của mỗi khía cạnh tác động xã hội (như việc làm, sức khỏe, y tế, giáo dục.) đối với mỗi chính sách, giải pháp chính sách.

- Sự khác biệt giữa các giới, các nhóm yếu thế đối với những khía cạnh tác động xã hội và kinh tế.

- Các tác động tới quyền cơ bản của công dân, tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các Điều ước quốc tế.

b) Đối với giai đoạn lấy ý kiến dự thảo VBQPPL

Tương tự như nội dung đưa ra để truyền thông dự thảo chính sách. Tuy nhiên, điểm khác biệt cần lưu ý là tại thời điểm lấy ý kiến vào dự thảo, các chính sách đã được cụ thể hóa thành các quy định với các điều khoản chi tiết.

Bước 2: Xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách

a) Xây dựng kế hoạch là việc đề ra một cách có hệ thống những công việc dự định làm trong một thời gian nhất định, với cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành cụ thể. Xây dựng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách là cơ sở để tổ chức triển khai hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội một cách khoa học, hiệu quả. Việc xây dựng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, cụ thể là:

- Với việc xác định rõ đối tượng, nội dung, hình thức truyền thông, biện pháp, tiến độ và phân công thực hiện cụ thể, kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách góp phần triển khai hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được bài bản, thường xuyên, liên tục, khắc phục tình trạng tuỳ tiện trong thực hiện.

- Tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chủ động hơn trong tổ chức công việc.

- Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách là cơ sở để các cơ quan, tổ chức và địa phương bố trí kinh phí cho hoạt động này.

- Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, khen thưởng việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách ở các cơ quan, tổ chức và các địa phương.

b) Việc xây dựng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách cần dựa trên một số căn cứ sau đây:

- Trên cơ sở chương trình, kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, địa phương, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương và của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách, nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn và điều kiện cụ thể chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch vì hướng dẫn của cơ quan cấp trên mang tính hướng dẫn chung, trong khi ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có những đặc thù riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí, nhiệm vụ chính trị, ngân sách cho công tác truyền thông dự thảo chính sách khác nhau.

- Xuất phát từ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người dân, chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách nhất thiết phải dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Khi thông tin dự thảo chính sách được truyền thông đáp ứng nhu cầu của đối tượng cần tìm hiểu thì hoạt động này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Bước 3: Xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách

a) Theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 407, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL có trách nhiệm xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội. Đây là tài liệu đầu vào quan trọng để cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan khác phục vụ hoạt động truyền thông.

Tài liệu truyền thông dự thảo chính sách của cơ quan chủ trì soạn thảo là nguồn tài liệu chính thống để phục vụ công tác truyền thông dự thảo chính sách. Bên cạnh đó, dự thảo chính sách được truyền thông đến người dân ra sao, có đảm bảo tính chính xác hay không, đạt mục tiêu, định hướng lấy ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo như thế nào phụ thuộc vào nguồn tài liệu được cơ quan chủ trì cung cấp để truyền thông. Chính vì vậy, tài liệu truyền thông do cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cung cấp đóng vai trò quan trọng đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách.

b) Nội dung tài liệu truyền thông dự thảo chính sách cần được các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL chú trọng quan tâm và tổ chức thực hiện bởi tính chất đặc thù của tài liệu này. Yêu cầu đặt ra đối với việc biên soạn tài liệu truyền thông dự thảo chính sách, cần: (i) Bảo đảm đầy đủ, chính xác, có chọn lọc về nội dung chính sách cần truyền thông; (ii) Được biên soạn, xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ pháp lý phù hợp, phổ thông đại chúng; (iii) Phù hợp với đối tượng thực hiện truyền thông.

Để đáp ứng các yêu cầu này, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, lựa chọn những chính sách cần thiết, tập trung vào dự thảo chính sách theo quy định tại Đề án 407 để xây dựng Tài liệu truyền thông.

Nội dung tài liệu truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề:

 - Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; 

- Nội dung cơ bản của chính sách;

- Nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau thực hiện truyền thông hoặc đăng tải trên mạng internet... đến cách thức thể hiện công phu, có sự đầu tư kinh phí như các tờ gấp, inforgraphic, Tài liệu hỏi đáp pháp luật phổ thông; sách pháp luật bỏ túi ngắn gọn; video clip truyền thông; bài giảng điện tử. Trong đó, phương thức phổ thông, nhanh chóng kịp thời nhất là xây dựng tài liệu và đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo; đồng thời cung cấp cho báo chí các nội dung có liên quan để trên cơ sở tài liệu truyền thông, các cơ quan, tổ chức sẽ xây dựng các sản phẩm truyền thông hoặc thực hiện bằng các phương thức truyền thông cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của công chúng nói chung, từng đối tượng tác động cụ thể nói riêng về nội dung của chính sách.

Bước 4: Triển khai tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội thông qua các hình thức phù hợp, đa dạng và hiệu quả

Để tổ chức thực hiện hiệu quả việc truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cần chủ động lựa chọn, đa dạng hóa các hình thức truyền thông dự thảo chính sách như:

- Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại truyền thông chính sách.

- Thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở.

- Thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách; Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, các ứng dụng phần mềm về PBGDPL, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Thông qua hoạt động góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

- Tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.

Bước 5: Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách

Mục 3 phần IV Điều 1 của Quyết định số 407/QĐ-TTg đã quy định, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL.

Việc tổng hợp, xử lý và phản hồi ý kiến góp ý có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động truyền thông, lấy ý kiến về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL. Điều đó thể hiện rõ nét nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL, đồng thời, thể hiện sự trân trọng, cầu thị của cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL đối với các chủ thể được lấy ý kiến qua mối quan hệ thông tin hai chiều giữa “người lấy ý kiến” và “người được lấy ý kiến”.

Việc tổng hợp, xử lý và phản hồi ý kiến góp ý đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các ý kiến góp ý sẽ góp phần củng cố niềm tin, thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp đối với công tác xây dựng pháp luật, qua đó tăng động lực tham gia góp ý của các chủ thể này và tạo điều kiện để cơ quan chủ trì lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL có thể nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng hơn trong tương lai khi thực hiện lấy ý kiến đối với các đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL khác.

Tóm lại, truyền thông dự thảo chỉnh sách là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chỉnh sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chỉnh sách, thể chế. Quá trình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện thông qua 5 bước, cụ thể: (i) Lựa chọn và xác định nội dung truyền thông dự thảo chỉnh sách; (ii) Xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chỉnh sách; (iii) Xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chỉnh sách; (iv) Triển khai tổ chức truyền thông dự thảo chỉnh sách thông qua các hình thức phù hợp, đa dạng và hiệu quả;v) Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chỉnh sách.

 

Ngọc Phạm