Đây là một trong những dạng lâu đời nhất của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sự tồn tại của cơ chế bảo hộ quyền sáng chế là việc tặng thưởng cho những sáng tạo trí tuệ, không chỉ mang lại lợi ích cho chủ sở hữu mà còn là sự phát triển của cả xã hội. Bảo hộ quyền sáng chế tạo ra những động lực hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà sáng chế đẩy mạnh tính sáng tạo, chấp nhận bộc lộ những ý tưởng của mình và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào việc thương mại hoá các ý tưởng đó trên thực tiễn.

Ngày nay, trong cuộc cách mạng công nghiệp dựa vào sức mạnh trí tuệ của con người, doanh nghiệp (DN) dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đây được xem như một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất nhưng lại có những giá trị lớn đối với DN và có khả năng sinh lợi nhuận. Trước kia tài sản hữu hình như đất đai, lao động, tiền vốn là thước đo cho sự phát triển của DN thì giờ đây điều đó gần như không còn đúng nữa, bởi sự hình thành của những tài sản vô hình về SHTT. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi tài sản SHTT đã và đang là vấn đề quan trọng thiết yếu đối với sự phát triển của DN.

Một trong những nhân tố quyết định việc kinh doanh thất bại hay thành công của doanh nghiệp (DN) chính là ý tưởng đổi mới và sáng tạo, tuy nhiên bản thân các ý tưởng không có giá trị khi không được phát triển, chuyển thành các sản phẩm mang tính sáng chế và được công nghiệp hóa. Con đường đi từ những ý tưởng, khám phá, hiểu biết thông thường đến hoạt động sáng chế thực sự không hề đơn giản, đòi hỏi các DN phải chấp nhận đầu tư không nhỏ về mặt thời gian, tài chính và công sức người lao động để tao ra sáng chế. Nếu không có sự bảo hộ độc quyền sáng chế, DN sẽ đối mặt với những thiệt hại do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh, không có sự bảo hộ nghĩa là không thể dựa vào sáng chế để xây dựng "uy tín thương hiệu". Liệu một DN có dám bộc lộ hoàn toàn bản chất sáng chế của mình ra thị trường mà không sợ bị sao chép? hoặc để những sáng chế đó mãi là một “bí mật” điều mà cả DN, nhà sáng chế và xã hội không mong muốn.

Nhằm cân bằng giữa lợi ích DN và lợi ích xã hội, pháp luật bảo hộ “quyền sáng chế” được thiết lập với mục đích đền bù xứng đáng cho sự đầu tư của DN, nhà sáng chế thông qua việc trao cho họ độc quyền “ngăn cấm” hoặc “cho phép” các chủ thể khác khai thác, sử dụng sáng chế trong một khoảng thời gian thích hợp dựa trên giá trị của sáng chế. Đổi lại DN chấp nhận công bố nội dung sáng chế đến mức mà căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế. Trên một phương diện nào đó, có thể thấy rằng, bản chất của cơ chế bảo hộ quyền sáng chế không gì khác là một loại “hợp đồng xã hội” với mục đích cơ bản là trao đổi lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà sáng chế và xã hội.

Các nhà điều hành DN xem sáng chế như chiến lược kinh doanh quan trọng, là đối tượng quản trị đầu tư cho sức cạnh tranh và khả năng phát triển của DN ở hiện tại lẫn tương lai. Việc thừa nhận bảo hộ sáng chế của Nhà nước cho phép DN có được quyền sở hữu tuyệt đối trong một phạm vi bảo hộ và giới hạn lãnh thổ địa lý của nước hoặc khu vực có liên quan đã cấp bằng độc quyền sáng chế giúp DN có thể khai thác tối đa tiềm năng của những sáng chế đó. Thực tế đã chứng minh rằng, sự tồn tại của bảo hộ quyền sáng chế trong một thời gian có hạn đã tao ra giá trị nhất định đối với DN khi chúng trở thành các quyền tài sản mà không thể bị thương mại hóa hoặc sử dụng nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế.

Sáng chế giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường. Sáng chế là một loại tài sản vô hình, tuy nhiên đây là tài sản dễ bị chiếm đoạt bị sao chép khi không có một cơ chế ngăn cấm. Vì thế Nhà nước đã thực hiện bảo hộ quyền sáng chế thông qua hình thức cấp “Bằng độc quyền sáng chế”, theo đó DN, người sáng chế được phép độc quyền sử dụng và khai thác sáng chế trong vòng 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế (khoản 2, Điều 93 luật Sở hữu trí tuệ, năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Trong thời gian này DN khai thác sáng chế tạo ra vị thế trên thị trường và mang lại cho DN sáng chế cơ hội để có thu nhập bù đắp những chi phí phải gánh chịu trong quá trình phát triển sáng chế. Ở một số lĩnh vực như công nghệ, tốc độ cải tiến sản phẩm sẽ nhanh hơn so với nhiều lĩnh vực khác, việc được bảo hộ độc quyền những sáng chế công nghệ trước khi sản phẩm được hoàn thiện và bài bán ra thị trường sẽ giúp DN đi trước một bước trong việc chiếm lĩnh thị trường, là “chìa khóa” cho khả năng cạnh tranh bất kể đó là thị trường nội địa hay thị trường quốc tế.

Bên cạnh quyền khai thác sử dụng, sáng chế cũng tạo cho chủ sở hữu khả năng thu được lợi nhuận từ việc bán sản phẩm sáng chế, từ việc lixăng hoặc chuyển giao quyền thương mại hóa sáng chế. Đồng thời khi bảo hộ quyền sáng chế có thể mang lại lợi thế đáng kể trong hoạt động thương thuyết, tạo nên sức mạnh trong đàm phán với các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp bán, sáp nhập hoặc mua lại, tài sản trí tuệ cụ thể là các sáng chế có thể làm tăng đáng kể giá trị doanh nghiệp và đôi khi đó chính là tài sản quan trọng và thực sự có giá trị.

Để được bảo hộ sáng chế, bản thân những ý tưởng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắc khe về tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp theo quy định pháp luật về bảo hộ quyền sáng chế. Điều này buộc các DN không ngừng sáng chế, tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các sản phẩm, nhờ đó sản phẩm của họ luôn có được tính mới, tính cạnh tranh trên thị trường, tạo được sự háp dẫn cho khách hàng nâng cao hình ảnh tích cực về doanh nghiệp. Khi tham gia vào các hoạt động sáng chế thông thường các DN sẽ tham khảo cơ sở dữ liệu sáng chế đã tồn tại trước đây nhằm tìm ra những công nghệ đã có tránh hoạt động nghiên cứu sáng chế trùng lặp và xác định được các đối tác có nhu cầu công nghệ mới để đề nghị chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, thông qua kết quả sáng chế có thể chứng minh với đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông quản trị về trình độ chuyên môn và năng lực công nghệ cao của DN.

Như vậy, với vai trò là động lực chính trong công cuộc phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ, sáng chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh, mang đến nhiều nguồn lực cho DN khi DN biết đầu tư và vận dụng quyền sáng chế một các phù hợp hiệu quả. Dựa trên quyền sáng chế DN vừa tự bảo vệ, vừa tạo ra rào cản cạnh tranh trên từng phân mảng thị trường và đây còn là sự kỳ vọng đạt được lợi nhuận cao trong tương lai để DN thực hiện các hoạt động xây dựng hình ảnh, nâng cao giá trị và trị giá DN trong mắt các đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư và khách hàng tiêu dùng./.

Thảo Đang