Theo đó, Bộ Nội vụ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt việc thực hiện Chương trình, dưới các hình thức phù hợp, đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.

Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy cùng cấp hoặc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ban hành các văn bản, chỉ thị để chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực và phạm vi quản lý, bảo đảm kịp thời, thiết thực và hiệu quả; Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm các sáng kiến, mô hình cải cách mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính tại bộ, cơ quan và địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi đánh giá việc triển khai công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện Chương trình đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính để triển khai thực hiện Chương trình, gửi về Bộ Nội vụ để phục vụ công tác theo dõi, đánh giá. Thời gian ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm của bộ, cơ quan, địa phương chậm nhất là ngày 25 tháng 12 của năm trước liền kề năm kế hoạch. Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 5 năm hoặc cả giai đoạn 10 năm (2021 - 2030) để tổ chức thực hiện. Trường hợp đã ban hành chương trình, kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 và giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm trước ngày 15 tháng 7 năm 2021, các bộ, cơ quan, địa phương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nêu trên phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP .

Các nội dung chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của bộ, cơ quan, địa phương được xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu cải cách hành chính phải cụ thể, khả thi, có tính định lượng cao. Các nhiệm vụ cải cách hành chính phải bao gồm đầy đủ 06 nội dung theo quy định của Chính phủ, xác định rõ kết quả, sản phẩm đầu ra, chi tiết thời gian hoàn thành và gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Riêng đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP được triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nội vụ tình hình thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nguồn lực thực hiện Chương trình, căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước, hàng năm, lập dự toán kinh phí để thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án và nhiệm vụ cải cách hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của bộ, cơ quan, địa phương. Khuyến khích việc huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách trung ương để triển khai Chương trình.  Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và điều kiện thực tiễn, các bộ, cơ quan, địa phương xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công chức thực hiện công tác cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý theo đúng thẩm quyền.

Trên cơ sở Bộ Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ ban hành; căn cứ vào điều kiện thực tiễn và nhu cầu quản lý, các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, làm cơ sở cho việc ban hành và triển khai các biện pháp chỉ đạo, điều hành nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tại bộ, cơ quan, địa phương. Kết quả đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hàng năm là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo công lập theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

 

Thanh Long