Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như kế hoạch triển khai công tác của nhiều bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác và hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

Đại biểu tỉnh Cà Mau tham dự hội nghị.

Trong năm, toàn ngành đã thẩm định 5.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức  851.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí gần 65 triệu bản tài liệu tuyên truyền; tiếp nhận 131.000 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,73%; các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận, thực hiện 35.000 vụ việc. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự với các Sở, ngành tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 600 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Công tác thi hành án dân sự đạt được rất đáng ghi nhận. Trong đó, số phải thi hành là 885.000 việc, số việc có điều kiện thi hành trên 708.000; đã thi hành xong gần 577.000 việc; triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao ngành tư pháp và các bộ ngành, địa phương đạt nhiều kết quả trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai pháp luật thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo: Phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số ngành tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế.; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi./.

Phú Toàn