Theo đó, Trạm y tế xã/phường/thị trấn lưu động (sau đây gọi là Trạm y tế lưu động) là một tổ chức thuộc Trung tâm y tế tuyến huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện và có  nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng, cụ thể:

- Xác định, lập danh sách người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, danh sách người nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà;

- Hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà;

- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa và tại nhà, hướng dẫn và cấp phát thuốc cho các trường hợp nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà;

- Phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng đến các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh;…

Ngoài ra, Trạm y tế lưu động cũng thực hiện xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; truyền thông về Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác...

Văn bản cũng quy định UBND cấp xã có trách nhiệm chọn một cơ sở phù hợp cho Trạm y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn: Nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân,…

Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động.

Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, bảo đảm mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có 01 Trạm y tế lưu động với ít nhất 05 nhân viên y tế.

 

Phúc Thọ