Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, BHXH tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 có 19,61% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể hóa nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh giao, ngày 30/6/2021, Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp số 76/KHPH- SLĐTBXH-BHXH với mục tiêu rõ ràng cho từng nhóm nhiệm vụ. Theo đó, về nhiệm vụ tuyên truyền, hai ngành phấn đấu đến năm 2025 có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác tuyên truyền của ngành BHXH, LĐ-TB&XH; các ngành đoàn thể từ tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức BHXH, BHYT; nghiệp vụ, kỹ năng thông tin, truyền thông. 100% cộng tác viên tư vấn việc làm, nhân viên đại lý thu, bí thư chi bộ, trưởng ấp/khóm; người có uy tín, chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, bí thư chi đoàn ấp/khóm trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức BHXH, BHYT; nghiệp vụ, kỹ năng thông tin, truyền thông. 90% cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động, người lao động được tuyên truyền về chính sách BHXH; 90% hộ gia đình được tuyên truyền viên, cộng tác viên đến tuyên truyền, giải thích về chính sách BHXH, BHYT.

Duy trì thường xuyên công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác tuyên truyền của ngành BHXH, LĐ-TB&XH; các ngành đoàn thể từ tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên tư vấn việc làm, nhân viên đại lý thu, bí thư chi bộ, trưởng ấp/khóm; người có uy tín, chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, bí thư chi đoàn ấp/khóm trong tỉnh.

Về nhiệm vụ phát triển người tham gia, đây tới cuối năm 2021 phấn đấu phát triển 63.494 người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 9,93% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; sau đó mỗi năm tăng thêm khoảng 5.300 người đến năm 2025 có 86.383 người tham gia, đạt 15,28% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, phần đấu tới hết năm 2021 phát triển được 36.720 người, chiếm 6% so với số người thuộc diện tham gia; sau đó mỗi năm tăng thêm khoảng 16.000 người đến năm 2025 có 116.400 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 19,61% so với số người thuộc diện tham gia.

Đối với nội dung phát triển người tham gia, hằng năm hai ngành phối hợp tham mưu HĐND, UBND tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện vào chỉ tiêu phát triển KT - XH của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo giao chi tiêu cụ thể đến ấp, khóm; đồng thời thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho BHXH và Phòng LĐ-TB&XH cùng cấp, các đại lý thu, viên chức chuyên quản thu, viên chức truyền thông trong ngành BHXH. Phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê và UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiến hành rà soát, thống kê lực lượng lao động trong độ tuổi; khảo sát nắm chặt chẽ tình hình doanh nghiệp, lao động trên địa bàn; hoàn thiện liên thông dữ liệu quản lý lao động, thanh toán tiền lương của các doanh nghiệp qua dữ liệu thuế, doanh nghiệp mới thành lập… để làm cơ sở tổ chức thu, phát triển người tham gia BHXH, BHTN. Thống kê lực lượng lao động trong độ tuổi trong và ngoài tỉnh; xác định lực lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện làm căn cứ để khai thác phát triển người tham gia và tính tỷ lệ bao phủ theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử nhiều lao động để phát triển người tham gia; đồng thời xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đọng quỹ BHXH, BHTN.

Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, hai ngành cũng thống nhất nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, chú trọng vào nhóm giải pháp về phát triển người tham gia BHXH, BHYT:

- Hai ngành phối hợp thành lập các Tổ công tác, đi trực tiếp các doanh nghiệp để tuyên truyền vận động chủ sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc cho những lao động thuộc diện tham gia; số lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, phối hợp với doanh nghiệp vận động khuyến khích người lao động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

- Phối hợp với UBND huyện, thành phố mời doanh nghiệp để tuyên truyền yêu cầu đăng ký tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho người lao động; phối hợp UBND cấp xã mời hoặc đến trực tiếp các doanh nghiệp để tuyên truyền phát triển người tham gia và thu nợ BHXH.

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng những doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động và những đơn vị nợ BHXH trên 03 tháng.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Kế hoạch - Đầu tư để nắm bắt thông tin về số đơn vị đang hoạt động; số đơn vị được thành lập mới hoặc giải thể, phá sản; số lao động, tiền lương, phụ cấp của người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp để đôn đốc, vận động đơn vị đăng ký tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động. Đồng thời phản hồi với cơ quan Thuế đối với doanh nghiệp khai báo chưa đúng với dữ liệu và trong thực tế.

- Mở rộng Đại lý thu (mỗi ấp/khóm có ít nhất 03 Đại lý thu), thường xuyên bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống Đại lý thu; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT cho từng Đại lý thu; tổ chức các đợt cao điểm ra quân hàng tuần, tháng, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến Đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

        - Thường xuyên khảo sát nắm chặt và phân loại nhóm người tham gia BHXH tự nguyện (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập,...), BHYT hộ gia đình theo địa bàn cấp xã. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, Đại lý thu tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia mới; Chú trọng vận động, đôn đốc người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đến hạn phải đóng tiếp tục tham gia để duy trì bền vững.

Việc phối hợp xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngành LĐ-TB&XH, BHXH và huy động sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền BHXH để các cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa, tính ưu việt và bảo đảm an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức và hành động, tự giác tham gia BHXH; đồng thời phát triển mở rộng diện bao phủ số người tham gia BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền BHXH phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, thống nhất và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với đặc thù từng nhóm dân cư và người sử dụng lao động, người lao động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên hình thức đối thoại trực tiếp tại doanh nghiệp, từng hộ gia đình trên địa bàn dân cư; làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi, tích cực tham gia thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT./.

Phú Toàn