Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, xa các trung tâm thành phố lớn; mặt bằng dân trí thấp, sinh viên tốt nghiệp ngành luật ít về quê hương để tham gia phát triển luật sư; đa số luật sư có tuổi đời lớn, trình độ tin học, ngoại ngữ còn hạn chế; một số luật sư trẻ thì chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020; Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Trước khi thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư, tỉnh Cà Mau chỉ có 29 luật sư, với 16 tổ chức hành nghề; đến nay đã có 54 luật sư (12 nữ), có 31 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động; trong đó, có 25/54 luật sư có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp trên 05 năm. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương mở 01 lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư có 119 học viên, đây là nguồn rất quan trọng để phát triển đội ngũ luật sư của tỉnh.

Nhìn chung, đội ngũ luật sư của tỉnh từng bước tăng dần về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra; phần lớn đội ngũ luật sư có tâm huyết với nghề, chấp hành đúng các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ngoài tham gia tranh tụng, tư vấn pháp luật, các luật sư trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và tư vấn pháp luật miễn phí. Hiện có 19 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

 Từ khi thực hiện Chiến lược đến nay, các luật sư đã thực hiện 7.851 vụ việc tư vấn pháp luật miễn phí cho khách hàng. Tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước yêu cầu là 887 vụ việc; tham gia án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 1.056 vụ/1693 vụ án có luật sư tham gia. Chất lượng luật sư tham gia án chỉ định có sự cải thiện đáng kể, được đầu tư nghiên cứu kỹ hơn.

Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư còn thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, bào chữa miễn phí; tham vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Hàng năm, Đoàn Luật sư phát động phong trào trợ giúp pháp lý miễn phí, ủng hộ Bếp ăn từ thiện, vận động mạnh thường quân tài trợ xây nhà, tặng quà cho hộ gia đình nghèo tại địa phương được đông đảo luật sư tham gia.

Công tác tổ chức bộ máy được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan chú trọng lựa chọn nhân sự chủ chốt theo nhiệm kỳ. Theo đó, từ năm 2011 đến 2020, đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Luật sư lần thứ VI nhiệm kỳ 2013 - 2018, lần thứ VII nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Sở Tư pháp đã làm tốt vai trò của cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy hình thành và phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu về dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân.

 Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của luật sư, hành nghề luật sư trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế được nâng lên.

Dịch vụ pháp lý luật sư cung cấp ra ngày càng đa dạng, phong phú; chất lượng tham gia tố tụng của luật sư có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của luật sư đã được Hội đồng xét xử ghi nhận và đánh giá cao. Trong quá trình giải quyết nhiều vụ án, sự tham gia của luật sư đã góp phần đáng kể vào việc xác định đúng tính chất của vụ án, giảm thiểu oan, sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng luật sư tăng nhanh nhưng còn thấp so với tỷ lệ dân số; chất lượng luật sư có cải thiện nhưng chưa đồng đều, còn hạn chế nhất định; một số luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia tố tụng, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế.

Một số luật sư chưa thực sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao, chưa tuân thủ quy định về đạo đức hành nghề của luật sư; phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, vốn ngoại ngữ… để tham gia lĩnh vực thương mại phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Còn thiếu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho luật sư hành nghề để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nghề luật sư trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tạo sự thống nhất, đồng bộ. Qua đó, để bảo đảm quyền hành nghề của luật sư trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền của mình trong việc thu thập chứng cứ, tham gia đầy đủ và thực chất trong các giai đoạn tố tụng.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đoàn Luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tăng cường công tác bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư.

Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư trong tình hình mới nhằm xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề... đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Quỳnh Anh