Để mạnh tay hơn với hành vi này, ngày 23/7/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng. Từ đây, cho thấy việc hạn chế các “vùng trắng”, xây dựng “vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng.

Chủ tài khoản facebook cá nhân mang tên “Steven Tín” đăng tải nội dung việc UBND phường 5, thành phố Cà Mau cấp “thẻ ra đường” khi thật sự cần thiết cho gia đình sai sự thật bị cơ quan chức năng xử lý.

Thực hiện Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngày 09/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 4359/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công cán bộ làm đầu mối cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị và địa phương. Thông tin được cung cấp phải kịp thời, thống nhất, đảm bảo giữ bí mật cá nhân của người bệnh, người có liên quan. Tăng cường công tác theo dõi, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch của địa phương; khi phát hiện sai phạm, chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan Công an kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp không xác minh được danh tính của đối tượng vi phạm, liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ ngăn chặn. Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thường xuyên cập nhật, theo dõi, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để hướng dẫn các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền; làm nối bật mục tiêu của tỉnh là “bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh”.

Công an Phường 7, thành phố Cà Mau làm việc với đối tượng thông tin sai sự thật về Covid-19. 

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật và chế tài xử lý vấn đề phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19; cập nhật kịp thời những văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp trao đổi: “ngoài tuyên truyền trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở còn thường xuyên nhắc nhỡ, quán triệt đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Tư pháp tuyệt đối không đăng, không chia sẻ, không tương tác với những tin tức, hình ảnh thiếu căn cứ, không chính thống, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVD-19 và mạnh dạn phản bác với những loại tin giả, tin độc. Qua đó, đã nâng cao nhận thức và hình thành ý thức phòng, chống và đẩy lùi tin giả trên không gian mạng trong cán bộ và Nhân dân”.

Trong thời điểm quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, việc tuyên truyền thông tin đến người dân nắm và tuân thủ nghiêm là vô cùng cần thiết. Hơn lúc nào hết những cơ quan truyền thông đại chúng chính thống phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình; bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin sâu rộng đến tổ chức, cán bộ và Nhân dân, góp phần huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Nhà báo Nguyễn Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau chia sẻ: “Trước hết, Ban Biên tập nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần bình tỉnh, sáng suốt trước những thông tin giả, tin sai sự thật để từ đó có những tin, bài, hình ảnh phản bác lại. Thời gian gia, Báo Cà Mau thực hiện tốt nhiệm vụ này trên nền tảng Báo in, Báo Cà Mau Online, Fanpage, Youtube. Từ đó, đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần đẩy lùi tin xấu, độc liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mục tiêu lớn nhất và duy nhất của cả hệ thống chính trị là “bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân”.  Các sở, ngành, các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh cũng bám xác mục tiêu này trong xây dựng kế hoạch truyền thông và ngăn chặn đẩy lùi tin giả, thông tin xuyên tạc. Đồng thời, hệ thống báo chí, truyền thông chính thống cũng phải kịp thời cung cấp tin thật nhằm phản bác và định hướng dư luận. Ngoài ra, cần có chế tài đủ mạnh, xử phạt thật nghiêm để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tin giả. Cụ thể, tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì người vi phạm còn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bên cạnh việc áp dụng các chế tài của pháp luật để xử lý, công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời sự lan tỏa những tin giả, tin sai sự thật trên Internet cũng là nhiệm vụ quan trọng mà ngành thông tin và truyền thông đang nỗ lực thực hiện. Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Sở sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tăng cường rà quét, theo dõi thông tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bày trừ tin giả, tin sai sự thật, thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng”.

Mục đích chung của những đối tượng đăng tin giả, tin sai sự thật là phát tán rộng rãi nhất có thể nhằm đạt những ý đồ riêng. Do đó, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn như phát tán tin giả vào các nhóm đông thành viên; sử dụng các trang, kênh, tài khoản có nhiều người theo dõi để kêu gọi cộng đồng chia sẻ tin sai lệch như một thông điệp mang tính cảnh báo về sức khỏe, sự an toàn... Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau khuyến cáo: “Khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Người dân cũng cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy. Sự tỉnh táo, sáng suốt của mỗi cá nhân chúng ta trước các thông tin liên quan đến Covid-19 sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng”./.

Phú Toàn