Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ, nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn; Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản ước khoảng 300 ngàn tấn/năm. Vùng mặt nước biển, ven biển là tìm năng nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.

(Cụm đảo Hòn Đá Bạc)

Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế, thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, tài nguyên thiên nhiên khác trong lòng biển như: tài nguyên khí PM – 3 – CAA với trữ lượng dầu khí khá lớn, các khu vực đang thăm dò, khai thác theo tài liệu khảo sát đã cho trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỷ m3/năm; là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc từ mặt biển Đông, và lặn  phía biển Tây. Vùng Bãi Bồi khá rộng tiếp nhận 2 dòng hải lưu Bắc – Nam, hình thành dòng phù sa bồi đắp vươn dài ra biển là nơi các loài thủy, hải sản trú ngụ và sinh sản cần được bảo tồn. Rừng đước Năm Căn nằm trong khu rừng ngập mặn ven biển của tỉnh Cà Mau là khu rừng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau rừng Amazon, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với lên đến 63.017 ha, 3 mặt rừng đều giáp biển, đi sâu vào đất liền còn có rừng U Minh, với hệ sinh thái nước ngọt độc đáo, thảm thực vật đa dạng trở nên nổi tiếng thu hút nhiều du khách khám phá thiên nhiên.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đầu năm 2020, tỉnh Cà Mau đã và đang điều tra, khảo sát triển khai thực hiện các dự án quy hoạch khai thác tiềm năng lợi thế. Hiện tại đang xây dựng mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường; mô hình tổ chức sản xuất, thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khai thác hải sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên biển, tranh thủ nguồn vốn từ dự án để xây dựng các mô hình đồng quản lí cho các xã ven biển, xây dựng cảng cá, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, nâng cao hiệu quả trong khai thác, đánh bắt, tạo đầu ra cho sản phẩm và các chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển. 

Tận dụng cơ hội từ du lịch và dịch vụ biển, tỉnh đã chú trọng đầu tư và phát triển khá toàn diện vào khai thác và chế biến hải sản; tính đến 31/8/2021 toàn tỉnh có tổng số 4.426 tàu cá (1.520 tàu dưới 12m, 1.398 tàu từ 12 đến dưới 15m, 1.508 tàu trên 15m), đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 1.491/1.508 tàu, đạt 99%; nhờ đó, giá trị sản lượng khai thác hải sản liên tục tăng lên từ 214 nghìn tấn năm 2018; năm 2019 là 288 nghìn tấn, 2020 trên 237 nghìn tấn.

Theo Chiến lược biển Việt Nam và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1570 ngày 6/9/2013. Tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện. Trong đó, mời gọi đầu tư 08 dự án đầu tư phát triển thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao với gần 4.000 hec-ta tập trung ở các huyện như huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Đầm Dơi; lĩnh vực đô thị, nhà ở gồm 17 dự án với diện tích hơn 400 hec-ta tập trung ở thành phố Cà Mau và các huyện Năm Căn, U Minh, Cái Nước và Thới Bình, các dự án về khu bến Cảng vệ tinh Sông Đốc huyện Trần Văn Thời; Khu bến Cảng Năm Căn; Bến Cảng Hòn Khoai…Theo quy hoạch khu bến Cảng Năm Căn tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn số lượng cầu cảng là 01, chiều dài cầu cảng 160m, diện tích đất 3,9ha, công suất 0,48 đến 0,65 triệu tấn/năm; đến năm 2030 công suất 0,7 đến 0,95 triệu tấn/năm. Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2456 ngày 17/12/2013, hiện nay, đang lập điều chỉnh quy hoạch chung.

Giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nếu khu vực Cảng biển Hòn Khoai triển khai thành công, không chỉ tạo động lực phát triển cho tỉnh Cà Mau, cho khu vực mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cả nước. Đặc biệt, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, mỗi năm tỉnh xuất khẩu ngành hàng tôm đạt gần 1 tỉ USD. Vì vậy, Cà Mau rất cần các nhà đầu tư có tâm huyết đầu tư vào để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Hiện tại có một số nhà đầu tư là Tập đoàn có tiềm lực tài chính đã khảo sát thực địa tại khu kinh tế Năm Căn, Cảng biển Năm Căn, huyện Năm Căn) và Cảng biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời để thực hiện dự án đầu tư được Cà Mau mời gọi đầu tư.

(Vẻ đẹp hoạng sơ của bãi biển Khai Long)

Qua tìm hiểu và khảo sát của các nhà đầu tư đều nhận thấy tiềm năng phát triển toàn diện của tỉnh. Vì vậy, Cà Mau đang nghiên cứu tạo ra nhiều cơ chế thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận dự án, cũng như giải quyết thủ tục pháp lý nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời đã tạo ra mô hình kinh tế phát triển sinh động, vươn lên tầm cao của sự phát triển toàn diện, nhất là thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời có thể triển khai hình thành, thành phố hải sản của khu vực. Bên cạnh những đóng góp tích cực của kinh tế biển đối với phát triển kinh tế trong thời gian qua, và dự báo phát triển trong tương lai, thì việc phát triển loại hình kinh tế này đang đối diện với những khó khăn, thách thức như:

Nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển trong sự liên kết phát triển vùng, liên vùng chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo, cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển …chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn; Các hoạt động nghiên cứu biển chất lượng còn yếu, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển và biển ven bờ, chưa nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển, đặc biệt chưa chuẩn bị nguồn lực và trình độ công nghệ để sớm vươn ra đại đương, nên khai thác tài nguyên biển chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững. Ý thức chấp hành phát luật của ngư dân còn yếu kém dẫn tới việc khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo còn diễn ra khá phổ biến; Hệ sinh thái môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi trên quy mô rộng tác động tiêu cực môi trường biển, nguyên nhân là do nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông đổ ra biển; một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm với cường độ ngày càng nhiều hơn trên quy mô rộng; Nguồn đầu đầu tư là vấn đề khó khăn nhất hiện nay, là nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến độ triển khai thực hiện  các mục tiêu, định hướng phát triển mà Cà Mau cũng như các tỉnh chưa có giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai thực các dự án theo kế hoạch; Kiến thức và kỹ năng của đội ngủ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đang là vấn đề trở ngại cần có giải pháp khắc phục.   

Để khai thác hiệu quả nguồn lực kinh tế và không gian sinh tồn biển. Theo tôi chúng ta cần nghiên cứu xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn thực hiện mục tiêu bố trí lại dân cư, tham gia vào phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp dầu khí, khu bảo tồn biển các vườn quốc gia ven biển và hải đảo …gắn với mực tiên phát triển, bảo tồn không gian biển; duy trì, phát huy nền văn hóa biển đảo, gắn với di tích lịch sử-văn hóa, các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch biển đảo bền vững, cần được nghiên cứu về tiềm năng, xác định mục tiêu, giải pháp, nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch bền vững, đa dụng hơn; Quy hoạch hạn tầng, đầu tư phát triển hạn tầng theo hướng kết nối vùng, liên vùng đảm bảo phát triển không gian biển mang tính bền vững là vấn đề trở ngại lớn đối với từng địa phương hiện nay, cần có những giải pháp thực hiện hiệu quả hơn thông quan quy hoạch phát triển vùng, liên vùng bền vững; Ban hành chính sách và tạo điều kiện để người dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày để các địa phương có biển, đảo cần xây dựng và triển khai thực hiện phù hợp;  Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề phát triển, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ. Hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng như: du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ, nuôi trồng hải sản, dịch vụ hàng hải, dịch vụ nghề cá, phát triển hợp lý không gian kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa, biến vùng ven biển thành hậu phương, hỗ trợ cho các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, cần kiến tạo các trung tâm phát triển đô thị lớn ven biển tạo hành lang kinh tế ven biển với sự liên kết và mang sức lan tỏa rộng, đầu tư nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, có biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.

Xây dựng mô hình tái cơ cấu ngành kinh tế biển, đảo, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương, có sự quản lý, tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư và chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản … có sự tham gia của các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình; lập bản đồ về các mối hiểm nguy, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng.

Huy động cộng đồng tham gia vào việc kiên cố hóa đê điều, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng. Tổ chức các tổ đoàn kết, hợp tác xã vận tải trên biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, … để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất ứng phó với bão tố, sóng thần… đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc, kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và dự báo thời tiết, phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. Ưu tiên giải quyết di dời cơ sở hạ tầng, dân cư ở những vùng có nguy cơ ngập nước, bổ sung lực lượng lao động có chất lượng cho huyện đảo và quần đảo, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời cần đưa nội dung giáo dục về kinh tế biển, biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển đảo và chương trình giảng dạy ở các cấp học duy trì nguồn lực về tư duy biển – đảo.

Với tiềm năng lợi thế như vậy, Cà Mau đang cần lắm nguồn lực đầu tư và trong tương lai không xa, Cà Mau sẽ trở thành địa phương phát triển nhanh, bền vững là nơi quy tựu khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.  

                Tiến sĩ: Phạm Quốc Sử