Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch này là phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và kinh tế số tại địa phương nhằm góp phần mang lại nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, đưa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Phấn đấu đến năm 2025 có 10 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó, ít nhất có 03 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh được đưa vào ứng dụng thực tế tại một số cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 20 doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, ứng dụng thành tựu công nghệ số phục vụ chuyển đổi số cho một vài lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh.

Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương trên cơ sở các chính sách phát triển doanh nghiệp số của Trung ương.

2. Triển khai Đề án của Trung ương (nếu có) tại địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tập trung cho doanh nghiệp công nghệ số như: đẩy mạnh hoạt động vườn ươm, trung tâm đối mới sáng tạo; hỗ trợ pháp lý, vốn, mặt bằng,... cho doanh nghiệp công nghệ số được hoạt động thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, gia nhập thị trường, tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ theo Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh hàng năm.

3. Phát triển hạ tầng số gồm: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và thực hiện theo lộ trình triển khai mạng 5G trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

4. Phát triển một số sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cũng như đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.

5. Phát triển nhân lực công nghệ số như đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao bằng việc nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm làm việc của cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tư duy về phát triến doanh nghiệp công nghệ số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh và tăng cường ưu tiên ứng dụng, mua sắm, thuê các dịch vụ và phát triển các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam trong phát triển kinh tế - xã hội.

7. Ưu tiên xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công, dự toán kinh phí ngân sách hàng năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến phát triển doanh nghiệp công nghệ số, có thể huy động từ các nguồn tài chính của các tổ chức, cá nhân và hỗ trợ của nhà nước theo quy định của pháp luật để phát triển doanh nghiệp công nghệ số./.

Thành Đạt