Trong các hoạt động PBGDPL, nhất là PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ… là hoạt động có ý nghĩa quan trọng về chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất của Nhà nước ta.

         

Đồng chí Hồ Việt Triều - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau trao phần thưởng cho các cá nhân đạt giả trong Cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại Trại Tạm giam Công an tỉnh.

Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2018, thực hiện Quyết định số 2045/QĐ-TTg, ngày 19/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 – 2021” (gọi tắt là Đề án), Quyết định số 843/QĐ-BCA-V19, ngày 06/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản tổ chức triển khai, thực hiện Đề án tới các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Định kỳ hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đến các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

          Theo đó, tất cả các đối tượng trong Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh, Nhà Tạm giữ thuộc Công an các huyện, thành phố được phổ biến các nội quy, quy chế Trại Tạm giam, Nhà Tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của công dân; các tiêu chuẩn chấp hành án, chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Bên cạnh những buổi học pháp luật định kỳ hay tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép vào các chương trình học nghề, sinh hoạt tổ, nhóm lao động; các lực lượng chức năng còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho phạm nhân bằng hình thức “Rung chuông vàng” trả lời các câu hỏi trắc nghiệm; xây dựng “Tủ sách hướng thiện”, “Tủ sách pháp luật”; trình chiếu phóng sự về “Những tấm gương khởi nghiệp, hoàn lương sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương”; tuyên truyền trực tiếp các quy định pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và chế độ chính sách cho phạm nhân… Hình thức đa dạng, nội dung phong phú, mang đậm tính nhân văn, giáo dục cao đã tác động không nhỏ đến nhận thức cũng như hành động của mỗi phạm nhân, từ đó giúp họ chuyển biến tư tưởng, phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Đối với nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế; người bị phạt tù được hưởng án treo; người được hoãn chấp hành án phạt tù; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ… chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tích cực triển khai các chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho các nhóm đối tượng này. Nội dung tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, các quy định liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Qua 04 năm triển khai, thực hiện Đề án đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cá biệt cho 664 lượt người đang hưởng án treo; 144 lượt người cải tạo không giam giữ; 290 lượt người đang tại ngoại; 1.540 lượt người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng… Tổ chức 2.216 cuộc họp dân với 118.619 lượt người tham gia. Giáo dục pháp luật cá biệt, tư vấn pháp luật cho hơn 200 đối tượng là thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về pháp luật, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” cho nhóm đối tượng này, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thông qua xây dựng mô hình “Tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ gìn an ninh trật tự” tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp Cơ sở Cai nghiện ma túy tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền cho các học viên đang cai nghiện tại cơ sở, như: tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức 05 Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ma túy; cuộc thi “Viết thư thăm gia đình và người thân”, qua đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học viên; nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, ý thức chấp hành nội quy trong quá trình cai nghiện và hạn chế tỷ lệ tái nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp các quy định của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy định khác có liên quan về phòng, chống AIDS, mại dâm, cai nghiện phục hồi cho hơn 1.200 lượt học viên Cơ sở Cai nghiện; phát hơn 1.500 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tác hại của ma túy cho gia đình, người thân của học viên Cơ sở Cai nghiện, qua đó, người nhà học viên đã cung cấp nhiều tin báo tố giác tội phạm ma túy, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

          Thời gian tới, để công tác PBGDPL đối với các đối tượng đặc thù của Đề án đi vào chiều sâu, có trọng tâm, thiết thực và hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, hỗ trợ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, tỉnh Cà Mau tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng và địa bàn, duy trì, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả; đẩy mạnh PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở... Tổ chức lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, kế hoạch liên quan, đảm bảo sự thống nhất, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao./.

Thế Anh