Tuy nhiên, tình hình tham nhũng hiện nay vẫn còn tồn tại, diễn biến khá phức tạp, còn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc xã hội. Để từng bước hạn chế đến mức thấp nhất về tham nhũng trong thời gian tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị lĩnh vực của nhà nước cần tập trung thông qua các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 như sau:

1. Thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Các quy định về phòng ngừa tham nhũng được coi là nội dung cơ bản của Luật PCTN kể từ khi được ban hành. Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Điều 9 Luật PCTN quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật.

- Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.

 Luật PCTN đã đưa nội dung về công khai minh bạch trở thành một nguyên tắc chung cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước. Như vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện tốt việc công khai, minh bạch không được viện lý do nào khác để không thực hiện việc công khai hoạt động của tổ chức, đơn vị mình nhằm tránh sự kiểm soát của người dân và xã hội.

Ngoài việc quy định tại Điều 9 về nguyên tắc công khai minh bạch, Luật PCTN cũng đã “cụ thể hóa” vấn đề công khai minh bạch, đã có những quy định cụ thể để nguyên tắc này được bảo đảm thực hiện, đó là quy định hình thức công khai và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân và tổ chức. Luật quy định các hình thức công khai bắt buộc mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện, bao gồm: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, phát hành ấn phẩm, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, công thông tin điện tử… (khoản 1 Điều 11 Luật PCTN năm 2018). Quy định này nhằm bảo đảm việc công khai được thực hiện, hạn chế tình trạng công khai hình thức.

Để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch được thực hiện, Luật PCTN cũng quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.

Công dân có quyền yêu cầu cơ quan, nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin. Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan”.

Kèm theo việc yêu cầu cung cấp thông tin, Điều 15 Luật PCTN năm 2018 đã quy định về trách nhiệm giải trình: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trrực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật.

Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

 Luật PCTN năm 2018  đã có những quy định cụ thể nội dung công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực mà thực tế cho thấy đã có xảy ra tình trạng tham nhũng, gây thất thoát tài sản của nhà nước, phiền hà, sách nhiễu … cụ thể:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;

- Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

- Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người của người có chức vụ, quyền hạn;

Việc thực hiện chính sách pháp luật có nội dung không thuộc các trường hợp nêu trên (không thuộc các điểm a, b và c khoản 1 Điều 10 Luật PCTN năm 2018) mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật PCTN năm 2018 còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

2. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn

Định mức, tiêu chuẩn, chế độ là những chuẩn mực rất quan trọng trong PCTN. Đây chính là các chuẩn mực để các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó để thực hiện cho đúng, đồng thời cũng là công cụ để các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đánh giá việc chấp hành pháp luật cũng như phát hiện ra các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức.

Nội dung của việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức được quy định tại Điều 18 Luật PCTN năm 2018 như sau:

- Cơ quan nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều này hướng dẫn áp dụng hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, ban hành, công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ áp dụng trong tổ chức, đơn vị mình, thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đó.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trái pháp luật.

Để đảm bảo các định mức, chế độ, tiêu chuẩn được thực hiện nghiêm túc.

Điều 19 Luật PCTN còn quy định về trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về  định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhất là xác định trách nhiệm của những người có liên quan đến việc để xảy ra các sai phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Từ quy định trên giúp cho chúng ta thấy được các hành vi vi phạm trong thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, ví dụ: Nhà nước quy định Tiêu chuẩn chế độ dùng xe công, điện thoại chỉ có người có chức vụ, lãnh đạo được trang bị theo tiêu chuẩn, quy định. Tuy nhiên, trong thực tiễn lại có cơ quan nào đó đã tự ý mở rộng đối tượng cấp thấp hơn được thụ hưởng… đây là việc làm không đúng, trái quy định pháp luật. Về trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm  về chế độ, định mức, tiêu chuẩn thì cần phân biệt có 02 loại trách nhiệm, đó là: Trách nhiệm chung của người đã có hành vi vi phạm quy định bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, là trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại đã gây ra do việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với trách nhiệm này người quyết định việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường, còn người được hưởng lợi từ việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn thì có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Những biện pháp phòng ngừa tham nhũng nêu trên cho thấy đó là những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, công khai, minh bạch là chìa khóa then chốt nhằm đảm bảo cho đấu tranh PCTN góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển./.

   

Chí Thành