Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu Báo cáo số 31-BC/BTGTU, ngày 14/12/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả điều tra dư luận xã hội về tình hình triển khai, thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trên địa bàn tỉnh, để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian tới.

Theo Báo cáo số 31-BC/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đã phát 1.500 phiếu khảo sát tại 7 huyện, 1 thành phố và 27 sở, ban, ngành cấp tỉnh (công chức, viên chức cấp xã, huyện, tỉnh 618 phiếu; công nhân, nông dân 474 phiếu; kinh doanh, buôn bán 202 phiếu; chức sắc tôn giáo 104 phiếu; học sinh, sinh viên 102 phiếu). Kết quả khảo sát cho thấy, sau nhiều năm triển khai thực hiện CCTTHC, có 96,4% người được hỏi biết thông tin về CCTTHC, còn 3,6% là chưa biết. Khảo sát về mức độ hiểu chương trình CCTTHC cho thấy, có 32,5% số người được hỏi hiểu và nhận thức rõ nội dung này; 60,1% số người chỉ hiểu và nhận thức cơ bản nội dung. Còn đến 7,3% số người được hỏi cho rằng chưa hiểu nội dung, ý nghĩa của CCTTHC. Điều này cho thấy, trong công tác tuyên truyền cần quan tâm hơn nữa, tiếp tục đổi mới, đa dạng, phong phú về hình thức, chú trọng chất lượng, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của CCTTHC.

Quang cảnh buổi làm việc tại Trung tâm Giải quyết Thủ tục hành tỉnh Cà Mau

Khảo sát về công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về CCTTHC: 86% số người được hỏi cho rằng công tác tuyên truyền tốt và rất tốt; 7,1% cho rằng chưa tốt và 6,9% cho rằng còn hình thức. Về hiệu quả của công tác CCTTHC, kết quả cho thấy 48,7% số người được khảo sát cho rằng CCTTHC đã giảm phiền hà tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; 21,2% cho rằng CCTTHC đã cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; 19,9% cho rằng CCTTHC đã tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của Nhà nước và Nhân dân; 6,3% cho rằng CCTTHC đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chỉ 3,9% cho rằng CCTTHC chưa mang lại hiệu quả thiết thực… Số liệu khảo sát cũng cho thấy 9,9% số người được hỏi cho rằng có tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu để trục lợi cá nhân và 36,7% cho rằng không biết.

Những số liệu khảo sát trên chỉ mang tính tham khảo, nghiên cứu, nhưng cho thấy công tác CCTTHC trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực: Từ khi Chính phủ ban hành Chương trình CCTTHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 và Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU về công tác CCHC và chọn CCHC là nội dung đột phá triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; UBND tỉnh ban hành các kế hoạch CCHC từng giai đoạn, từng năm cụ thể, đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo đài đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp, nhân dân, điều đó cho thấy công tác CCTTHC luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội các cấp trong tỉnh quan tâm, lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện. 

Các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo bước đột phá trong CCHC như: thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, Phòng Cải cách hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra cải cách hành chính; thực hiện chấm điểm, công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố... Trên 90% số người được hỏi cho rằng nhận thức về cải cách thủ tục hành chính và tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức đã thay đổi từ 50% trở lên.

Song, bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhìn từ kết quả khảo sát cho thấy, công tác CCTTHC vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa thật sự như kỳ vọng. Qua đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã kiến nghị một số nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

1. Các cấp uỷ, chính quyền tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương CCTTHC; tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác CCTTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, CCTTHC trong các lĩnh vực theo quy định.

2. Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị; chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

3. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các thủ tục hành chính gây phiền hà, bức xúc, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém. Nâng cao chất lượng phục vụ ở bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”…

Từ kết quả cuộc điều tra dư luận xã hội về tình hình triển khai, thực hiện công tác CCTTHC trên địa bàn tỉnh, cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn quan tâm và rất quan tâm đến CCTTHC, họ rất kỳ vòng vào sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và công dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần tham khảo, nghiên cứu, tập trung vào những khâu, lĩnh vực, nội dung mà người được khảo sát đánh giá thấp để có sự chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để CCTTHC thực sự trở thành khâu đột phá trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới./.

Đặng Khánh Hưng