Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện, quyền của trẻ em được thực hiện tốt hơn, nhất là những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo, điều hành, thực thi về công tác trẻ em. Chính quyền các cấp trong tỉnh cũng quan tâm dành kinh phí đáng kể chi hỗ trợ cho hoạt động, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 48/101 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt tiêu chuẩn, có 74/101 xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em. Chị Ngô Hoa Lia một người dân có con nhỏ ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh phấn khởi cho biết: “Gần đây địa phương cũng có đầu tư xây dựng các khu vui chơi dành cho trẻ em. Điều này đã tạo ra được các hoạt động cho các em gắn kết, thư giãn, vừa chơi vừa học, rèn luyện thêm kỹ năng, đặc biệt là các sân chơi cuối tuần và các câu lạc bộ sở thích. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sân chơi lành mạnh cho các em trong lúc mà chúng ta đang còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho thiếu nhi”.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau huy động Quỹ Bảo trợ trẻ em được gần 17 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn khám chữa bệnh, phẫu thuật và chỉnh hình miễn phí, cấp học bổng cho trẻ em gia đình nghèo, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB và XH tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, thì số lượng và chất lượng được cải thiện hàng năm. Cụ thể như: Tỷ lệ trẻ em được cấp thẻ BHYT đạt gần 99%, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng đạt được mục tiêu, định hướng đề ra”.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh trong giai đoạn tới sẽ còn gặp không ít khó khăn. Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện có kết quả Chương trình hành động Quốc gia Vì trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng, đem lại niềm vui, lòng tin, lợi ích cho nhân dân, nhất là sự phát triển của trẻ em tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vẫn tồn tại một số vấn đề về trẻ em diễn biến phức tạp. Trên thực tế vẫn còn tình trạng trẻ em phải đối mặt với các hình thức xâm hại khác nhau, ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Đáng lo ngại hơn cả là việc trẻ có thể bị xâm hại, bạo hành từ chính những người thân quen của mình. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 cả nước phát hiện trên 1.940 vụ, xâm hại trên 2.000 trẻ em. Trong đó 1.349 vụ xâm hại tình dục với 1.576 nạn nhân là trẻ em. Điều đáng nói hơn khi khoảng 97% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại đều có quen biết với nạn nhân.

Trẻ em còn quá nhỏ và khái niệm về hành vi tình dục hoàn toàn chưa hình thành, về tâm sinh lý còn non nớt và đơn giản. Cho nên khi sự việc đáng tiếc xảy ra sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài dẫn đến sự ám ảnh, rối loạn lo âu, trầm cảm, thu mình lại... thậm chí trẻ xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, nguy cơ muốn tự tử là rất cao. Theo Thạc sĩ tâm lý Bùi Khiếu Ngọc Lệ Hằng, Giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau cho rằng: “Xâm hại tình dục trẻ em là một hành vi thiếu nhân tính, nó có thể xảy ra đối với bé gái và cả bé trai, làm ảnh hưởng nặng nề tâm lý và thể chất của nạn nhân. Trẻ có thể bị rối loạn hành vi và tâm thần từ nhẹ tới nặng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ tự tử”.

Luật trẻ em năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đã có hiệu lực vào ngày 01/7/2017. Với sự lên tiếng của những người trong cuộc, sự chung tay của cộng đồng xã hội, sự nghiêm khắc và công minh của những người thực thi công lý sẽ có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không bị chìm vào bóng tối, những kẻ thủ ác sẽ phải trả giá với hành vi của mình, những đứa trẻ sẽ được lớn lên trong một môi trường an toàn và thân thiện./.

Phú Toàn