Loại hình “đờn ca tài tử” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể chung cho 21 tỉnh, thành phố phía nam (trong đó có Cà Mau) - Internet.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình này là: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

Về nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình:

- Hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.

- Tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt (theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, cụ thể:

+ Đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 03 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt;

+ Đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 06 di tích khảo cổ tiêu biểu;

+ Đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp;

+ Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết ít nhất 400 lượt di tích cấp quốc gia.

- Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng, bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật của các bảo tàng công lập; trang bị, thay thế trang thiết bị, nâng cấp trưng bày các bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn có sức thu hút khách du lịch; duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho bảo quản bảo vật quốc gia; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.

- Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu:

+ Thực hiện cam kết của Chính phủ đối với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;

+ Tổng kiểm kê quốc gia, xây dựng danh mục các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu theo địa giới hành chính và theo tộc người; tập trung sưu tầm, xác định danh mục các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia đặc biệt quan trọng và cần được lưu giữ, phát huy giá trị;

+ Xây dựng Hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc các di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới, ưu tiên đối với di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo;

+ Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa

+ Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền...);

- Tư liệu hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; phát triển các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch...

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa

+ Triển khai các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng (ngắn hạn và dài hạn), tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài;

+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng với nội dung, hình thức phong phú, dễ nắm bắt, cập nhật;

+ Tổ chức các cuộc thi, hoạt động chuyên môn, chuyên ngành đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế.

- Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài

+ Trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trong nước và một số bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông;

+ Tổ chức các liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở trong nước và quốc tế, các cuộc thi sáng tác, triển lãm về di sản văn hóa.

Về giải pháp thực hiện Chương trình là: Phổ biến, nâng cao nhận thức, pháp luật về di sản văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực thực hiện Chương trình. Cơ chế phân bổ nguồn lực. Cơ chế quản lý, giám sát sử dụng nguồn lực. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Tăng cường trao đổi chuyên gia và giảng viên, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác./.

Phúc Thọ