Theo báo cáo của Đoàn Luật sư, trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu, tích cực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Theo đó, đội ngũ luật sư được củng cố, kiện toàn để nâng cao chất lượng và hoạt quả hoạt động; tính đến nay đã có 60 luật sư, hành nghề ở 23 tổ chức và có 22 luật sư tập sự.

Trong năm 2020, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 1.371 vụ. Trong đó, án hình sự là 317 vụ, tăng 48,83% so với năm 2019; án dân sự là 231 vụ, tăng 24,19%; tư vấn miễn phí 537 vụ, tăng 171,21%; trợ giúp pháp lý 178 vụ, tăng 42,4% so với năm 2019. Tổng doanh thu 3.634.386.000 đồng, tăng 41,63% so với năm 2019.

Có trên 98% luật sư tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc theo quy định. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong hoạt động nghề nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh hoạt động nghề nghiệp, Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đã tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện công tác xã hội và các hoạt động từ thiện như: tặng quà cho người nghèo, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn,… Từ đó, đã tạo nên hình ảnh tốt đẹp cho đội ngũ luật sư tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số tổ chức hành nghề chưa kịp thời; trong quá trình hoạt động vẫn còn một số tổ chức hành nghề có sai sót như: không vào sổ theo dõi tư vấn pháp luật; hợp đồng dịch vụ pháp lý chưa đúng quy định. Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động nghề nghiệp luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tuy có có giảm nhưng vẫn còn xảy ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số luật sư còn hạn chế, từ đó cũng ảnh hưởng nhất định hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo Sở Tư pháp yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng tốt đoàn kết nội bộ trong Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Tăng cường thực hiện tốt chế độ tự quản của tổ chức mình; chú trọng công tác bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư; quản lý chặt chẽ các luật sư thành viên trong hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và các cơ quan tố tụng trong việc cử Luật sư tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý.

Đối với các luật sư phải có quan điểm khách quan, toàn diện, tuyệt đối tuân thủ pháp luật để thực hiện tốt chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nhất là đối với những luật sư trẻ, luật sư mới vào nghề; không ngừng trau dồi kiến thức luật pháp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề, việc ứng dụng công nghệ thông tin,… để thực hiện có hiệu quả nghề nghiệp cao quý của mình.

Kiều Anh