Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, tính đến nay, toàn tỉnh có 60 Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã. Trong đó, 55 Trung tâm đủ điều kiện đánh giá, xếp loại; 05 Trung tâm còn lại do mới được đầu tư xây dựng cùng với xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 nên chưa đủ điều kiện đánh giá theo quy định.

Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao, trong năm 2020 tổ chức được hơn 250 buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng các ngày kỷ niệm huyện, tỉnh và đất nước; tổ chức hơn 500 lượt hội nghị; tổ chức 160 giải đấu thể dục, thể thao quần chúng; có 48/55 Trung tâm là điểm đến thường xuyên của người cao tuổi, thanh thiếu niên và người lao động tại địa phương tham gia các hoạt động thể dục dưỡng sinh, thể chất, ước tính có khoảng 95.000 lượt người hoạt động; có 28/55 Trung tâm phát huy và duy trì sinh hoạt định kỳ các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, bóng đá, bóng chuyền, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ…, nhân ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tết Nguyên đán,…

Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời trong tình trạng nền sụp, lún,

hệ thống cửa cuốn khó khăn khi vận hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hệ thống TCVHTTCS đang tồn tại không ít những hạn chế, bất cập. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Nhiều nơi chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động, công tác tuyên tuyền, vận động còn hạn chế nên chưa thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia. Nhiều phòng chức năng được sử dụng sai mục đích, không đúng công năng thiết kế như: Trưng dụng làm nhà kho, phòng làm việc cho các hội đặc thù của xã. Một số Trung tâm được nhà nước đầu tư đã lâu, dù nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn không phát huy hiệu quả; có sân đa năng, nhưng lại không lát gạch vỉa hè, không tráng bê tông… Từ đó, không thể đưa vào khai thác, phục vụ cho các hoạt động ngoài trời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động không đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả như mong muốn; tình trạng chỗ thiếu, nơi thừa thiết bị vẫn còn tồn tại; một số Trung tâm hiện đã xuống cấp, nền sụp lún, cửa bung, trần sập, đèn, quạt không còn hoạt động. Đặc biệt, vấn đề vị trí xây dựng cũng là vấn đề đáng quan tâm, vì hầu hết hầu hết các Trung tâm không phát huy được hiệu quả là do không thuận lợi trong việc đi lại của người dân khi có nhu cầu đến Trung tâm; thậm chí có nơi Trung tâm nằm cách xa, tách biệt với khu dân cư hoặc đặt ngay trong khu hành chính xã. Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến không ít Trung tâm hiện nay đang trong tình trạng đóng cửa.

Sụp, lún nền là tình trạng không khó bắt gặp ở nhiều Trung tâm Văn hóa Thể thao hiện nay.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVHTTCS, đặc biệt là nhằm nâng chất Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thì trước mắt cần phải nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò của hệ thống TCVHTTCS đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cần tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) đẩy đủ, hiện đại và đồng bộ; tránh sự mất cân đối trong hưởng thụ các giá trị tinh thần của nhân dân. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

- Đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần có những nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu, tâm lý của người dân trong xây dựng TCVH. Bởi việc xây dựng TCVH phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân.

- Bên cạnh đầu tư xây mới các TCVH hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển thì việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các TCVH truyền thống mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với quá trình đánh giặc, giữ nước của cha ông ta cũng cần được quan tâm.

- Mạnh dạn thực hiện chủ trương xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa và các TCVH nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của người dân. Tuy nhiên, cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và mức sống của người dân để xây dựng lên những TCVH phù hợp, tránh phô trương hình thức, chạy đua theo thành tích, chỉ tiêu. Chính quyền không nên làm thay mà phải là người tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân để quản lý và phát huy những giá trị tích cực của TCVH.

- Khi xây dựng các TCVH phải đảm bảo các yêu cầu: Gần khu dân cư; gần trục lộ giao thông, tuyến lộ chính; gần khu hành chính, nhưng không nằm trong khuôn viên khu hành chính. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các TCVH, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, có biện pháp giải quyết phù hợp; biểu dương khen thương những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác.

Có thể nói, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVH đầy đủ, đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân giữa các địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

Phú Toàn