Theo đó, vi phạm hành chính liên quan đến công chứng là hành vi trái pháp luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) có năng lực trách nhiệm pháp luật hành chính thực hiện, vi phạm các quy định về công chứng mà theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm hành chính.

Căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì có thể xác định các vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng bao gồm: (1) vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên (Điều 11); (2). vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (Điều 12); (3) vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản (Điều 13); (4). vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch (Điều 14); (5) vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng (Điều 15); (6). vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 16); (7) vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 17).

Trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng được thực hiện theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). Ngày 15/07/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). So với Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có một số thay đổi nhất định.

Cụ thể, theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), hành vi “sửa chữa, tẩy xóa trái pháp luật giấy tờ, văn bản hoặc sử dụng giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để được công chứng hợp đồng” “sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng” có mức tiền phạt khác nhau. Theo đó, hành vi “sửa chữa, tẩy xóa trái pháp luật giấy tờ, văn bản hoặc sử dụng giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để được công chứng hợp đồng” bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, còn hành vi “sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Có lẽ, theo Chính phủ, hành vi “sửa chữa, tẩy xóa trái pháp luật giấy tờ, văn bản hoặc sử dụng giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để được công chứng hợp đồng” không nguy hiểm bằng hành vi “sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng” nên đã quy định mức tiền phạt thấp hơn. Khi Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), Chính phủ thống nhất quy định mức phạt tiền bằng nhau của hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” “sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung”. Ngoài ra, Chính phủ cũng thống nhất tăng mức tiền phạt lên (từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng) nhằm bảo đảm tính răn đe. Như vậy, kể từ thời điểm Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật thì vi phạm hành chính liên quan đến “tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” hay “sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” sẽ bị áp dụng phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Khác với Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã tăng mức tiền phạt đối với tất cả các vi phạm hành chính liên quan đến công chứng hợp đồng. Cụ thể, đối với các vi phạm được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là “gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch” thì nhà làm luật đã tăng mức tiền phạt lên thành từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Như vậy, hành vi này đã được Nghị định số 82/2020/NĐ-CP tăng mức tiền phạt gấp nhiều lần so với vi phạm tương ứng được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) (mức tiền phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng). Nếu như trước đây theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), hành vi “giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng” bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng thì theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, hành vi này đã tăng mức tiền phạt lên gấp 03 lần (bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).

Sự thay đổi theo hướng gia tăng mức tiền phạt là cần thiết và hợp lý, bởi lẽ cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng cao, nếu quy định mức tiền phạt thấp sẽ không đủ tác động vào lợi ích kinh tế của họ. Do đó, nhà làm luật phải quy định mức tiền phạt tăng lên nhằm khắc phục tình trạng trượt giá của đồng tiền. Mức tiền phạt cao cũng sẽ tác động mạnh vào lợi ích kinh tế của chủ thể vi phạm, buộc chủ thể này phải thay đổi suy nghĩ, nhận thức để không tiếp tục vi phạm trong tương lai.

So với Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số hành vi vi phạm làm căn cứ cho việc đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính liên quan đến công chứng hợp đồng. Trước đây, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chỉ quy định xử phạt đối với hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch”. Thực tiễn thi hành pháp luật lại phát sinh vướng mắc vì xuất hiện tình trạng “giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng để công chứng hợp đồng” hoặc “giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng”. Đây đều là những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chân thật, hợp pháp, khách quan của hợp đồng. Tuy nhiên, khi phát hiện thì người có thẩm quyền không thể xử phạt vì không có cơ sở pháp lý. Tương tự, những hành vi như “yêu cầu công chứng hợp đồng giả tạo”, “cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng”, “cản trở hoạt động công chứng” cũng đều là hành vi bị cấm theo Điều 7 Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, khi phát hiện hành vi thì lại không có chế tài xử phạt tương ứng. Chính vì vậy, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP bổ sung các hành vi vi phạm là “giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng để công chứng hợp đồng”, “giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng”, “yêu cầu công chứng hợp đồng giả tạo”, “cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng”, “cản trở hoạt động công chứng” đã tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về chế tài và sự cấm đoán.

Bên cạnh đó, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã lại bỏ đi hành vi vi phạm “làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng” quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). Có lẽ theo nhà làm luật, hành vi “làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng” đã được bao quát trong các vi phạm “tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng” (điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) và “cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng” (điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) nên không cần miêu tả thành một vi phạm riêng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng Nghị định số 82/2020/NĐ-CP còn có những bất cập trong quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng, cụ thể:

Thứ nhất, một số vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng chưa được mô tả rõ ràng, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác xử phạt trên thực tế.

Điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định: “phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịchvới mức chế tài nặng hơn rất nhiều (phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng). Thực tế, phải nhìn nhận rằng, hành vi sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch hoàn toàn có thể mang tính chất cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch. Ngược lại, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn có thể được thực hiện thông qua cách thức sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa. Tuy nhiên, theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịchcung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịchlà hai hành vi có mức phạt khác nhau. Trong khi đó, nếu đây là hai hành vi khác nhau thì cũng không có cơ sở để phân biệt, còn nếu giống nhau thì mức phạt tiền lại khác nhau.

Thứ hai, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chưa xác định rõ ranh giới giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung”.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có quy định về Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 340. Theo đó, người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Như vậy, đối với trường hợp cá nhân, pháp nhân thương mại sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ đối mặt với hai trường hợp: một là, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); hai là, bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Quy định trên những tưởng đã có sự phân định rõ ràng giữa truy cứu trách nhiệm hình sự với xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, thế nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay pháp luật không có quy định rõ trường hợp nào cá nhân, pháp nhân thương mại có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để người có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Thứ ba, về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) thì:

“Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc phạm vi công vụ, nhiệm vụ được giao. Nói cách khác, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành chỉ là các tổ chức và cá nhân thuộc các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm nằm ngoài phạm vi công vụ, nhiệm vụ được giao.

Luật Công chứng năm 2014 quy định hoạt động công chứng được thực hiện bởi các tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng Công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp) và Văn phòng công chứng do các công chứng viên đăng ký thành lập hoạt động loại hình công ty hợp danh. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp nên công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng là viên chức. Khi thực hiện hoạt động công chứng thì công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng được xem là viên chức đang thực nhiệm vụ được giao. Do đó, nếu thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công chứng thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Vô hình trung quy định trên lại tạo ra sự bất bình đẳng trong quy chế pháp lý giữa công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng với công chứng viên làm việc tại Văn phòng công chứng. Cụ thể, cùng là công chứng viên, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công chứng nhưng nếu là công chứng viên trong Văn phòng công chứng thì bị xử phạt, còn công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng lại không bị xử phạt. Đối với những công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng thì nếu phát hiện hành vi trái pháp luật, Trưởng đoàn thanh tra hoặc người có thẩm quyền chỉ có quyền thông báo hành vi này cho Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng công chứng để tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về viên chức. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật này rất khó khăn. Trên thực tế, có rất ít trường hợp các công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng sai phạm bị xử lý kỷ luật.

Thứ tư, về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng.

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm liên quan đến công chứng hợp đồng là 01 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính như sau:

- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm”.

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã thành công khi có sự giải thích rõ ràng về cách tính thời hiệu đối với những vi phạm liên quan đến đến công chứng hợp đồng. Quy định rõ ràng này giúp chủ thể có thẩm quyền xử phạt có căn cứ rõ ràng trong việc xác định mốc thời gian để từ đó tính toàn thời hiệu xử phạt đối với những vi phạm hành chính có tính chất khác nhau như vi phạm mang tính kéo dài, liên tục hay vi phạm hành chính kết thúc ngay. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các vi phạm liên quan đến công chứng hợp đồng là những vi phạm có tính chất khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính cho thấy rằng thời hiệu này là chưa thực sự hợp lý bởi vì hoạt động công chứng có một đặc thù là việc tranh chấp, khiếu nại đối với các hợp đồng, giao dịch không xảy ra ngay tại thời điểm công chứng mà thường xảy ra sau một khoảng thời gian khá dài kể từ thời điểm công chứng, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến di chúc, thừa kế di sản. Có những vụ việc công chứng phải hơn một năm kể từ ngày công chứng mới phát sinh khiếu nại và khi xác minh, kết luận có sai sót thì người có thẩm quyền xử phạt không thể tiến hành việc xử phạt vì đã quá thời hiệu một năm.

Để đảm bảo thực thi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn, cần hoàn thiện một số nội dung như sau.

Một là, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) đưa ra các yêu cầu cần phải tuân thủ khi quy định về vi phạm hành chính. Một trong các yêu cầu cần được tuân thủ là “vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn”. Do đó, Chính phủ cần mô tả rõ ràng, cụ thể về hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng để có thể phân biệt các hành vi vi phạm với nhau, từ đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác xử phạt trong thực tiễn.

Hai là, để có cơ sở pháp lý rõ ràng cho những cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng pháp luật chính xác đòi hỏi các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật. Cụ thể, Chính phủ cần quy định rõ trường hợp nào cá nhân, tổ chức có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch để từ đó người có thẩm quyền căn cứ thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trên thực tế. Trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan nhà nước cần giải thích cụ thể thế nào là sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” nhằm phân định rõ ràng giữa xử phạt hành chính và xử lý hình sự.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức thực hiện vi phạm hành chính khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ nói chung và đối tượng là công chứng viên hành nghề tại các Phòng công chứng thực hiện vi phạm hành chính các quy định về công chứng viên nói riêng, nhằm bảo đảm sự công bằng, nhà làm luật cần quy định xử phạt công chứng viên hành nghề tại các Phòng công chứng nếu thực hiện vi phạm hành chính về công chứng.

Cuối cùng, sửa đổi khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính để tăng thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói chung và công chứng nói riêng là hai năm. Việc tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói chung và công chứng nói riêng là cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc phát hiện và xử lý các vi phạm./.

Lê Bích Trân