Nhằm đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các kết quả nổi bật của công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm; cũng như nhận diện, phân tích nguyên nhân những hạn chế, yếu kém để từ đó đề xuất giải pháp công tác 6 tháng cuối năm, ngày 17/7/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Tư pháp dự và chủ trì điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Sáu tháng đầu năm, mặc dù đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác thích ứng với tình hình thực tế. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, bám sát Chương trình, Kế hoạch đề ra, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì điểm cầu Cà Mau

Việc tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về luật sư, hợp tác quốc tế về pháp luật đều đạt kết quả tốt. Chất lượng công tác thẩm định Văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL), chất lượng các hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn, các dự án luật đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao; công tác rà soát VBQPPL được các Bộ, ngành triển khai quyết liệt; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với đại dịch được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu Lý lịch tư pháp, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong Ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả nêu trên tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Là tỉnh đầu tiên được Bộ Tư pháp chọn báo cáo tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Phạm Chí Hải đã trình bày những kết quả nổi bật của ngành Tư pháp Cà Mau đạt được trong 6 tháng qua. Đồng thời cũng có những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Bộ nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập ở lĩnh vực cấp phiếu Lý lịch tư pháp và bán đấu giá tài sản.

Theo đó, nhu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) phát sinh ngày càng nhiều, nhưng chủ trương CCHC đặt ra là phải vừa cắt giảm thời gian giải quyết, vừa phải đảm bảo 100% hồ sơ được hoàn trả đúng và trước hạn. Tuy nhiên, việc cấp phiếu LLTP hiện còn phức tạp. Sở có văn bản gửi cho các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin về xóa án tích, nhiều trường hợp trả kết quả còn chậm. Nên 6 tháng đầu 2020 còn 38 hồ sơ trễ hạn. Trong đó, có 14 hồ sơ trễ từ Trung tâm LLTP Quốc gia. Điều này đã khiến Sở Tư pháp trở thành đơn vị đứng đầu trong các Sở trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ sơ trễ hạn.

Mặc khác, Trung tâm LLTP Quốc gia đã đi vào hoạt động hơn 10 năm nay nên lượng thông tin về LLTP trong kho Dữ liệu này tương đối đầy đủ. Để tháo gỡ khó khăn này, đề nghị lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Trung tâm LLTP Quốc gia xem xét cấp cho mỗi Sở Tư pháp một tài khoản, để được tra cứu trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP. Nếu khó khăn này được tháo gỡ, thì áp lực công việc cho Sở Tư pháp sẽ được giảm rất nhiều và tình trạng trả kết quả phiếu Lý lịch tư pháp trễ hẹn cũng sẽ được khắc phục.  

Còn đối với vấn đề bán đấu giá tài sản, thì trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 vẫn còn một số quy định chung chung, khó thực hiện như: Tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá theo Điều 56 chưa cụ thể, nên hiện nay người có tài sản lựa chọn chủ yếu theo cảm tính; Điều 9 Luật Đấu giá quy định về “thông đồng, dìm giá” cũng chưa rõ, nên trong áp dụng vào vụ việc cụ thể không kết luận, không xử lý được; Việc hủy kết quả đấu giá như quy định tại Điều 72 là không khả thi, khi có vụ việc xảy ra như: Người trúng đấu giá không thuộc đối tượng được mua tài sản; tài sản không đủ điều kiện đấu giá nhưng được đưa ra đấu giá, trúng đấu giá. Qua kiểm tra, phát hiện sai quy định nhưng không thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá, dẫn đến có thể hợp pháp hóa cái sai.

Hay như vi phạm về công khai trong đấu giá khi chỉ không niêm yết, không thông báo mới bị hủy kết quả đấu giá, còn lại chỉ xử lý hành chính. Vì bán tài sản theo hình thức đấu giá là bán công khai, nếu vi phạm quy định về công khai thì không còn ý nghĩa về đấu giá nữa, nên cần quy định hủy kết quả đấu giá mới phù hợp. Có thể từ quy định như vậy, không ít Công ty đấu giá tài sản được thành lập chỉ tổ chức đấu giá một hoặc hoặc vụ có giá trị lớn, qua đó nhận những lợi ích bất hợp pháp, sau đó giải thể Công ty. Và thực tế tại Cà Mau cũng có 2 trường hợp như thế. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề nghị lãnh đạo Bộ nghiêm cứu, sớm có các giải pháp khắc phục vấn đề này.

Tại hội nghị còn có nhiều tham luận, chuyên đề chuyên sâu về một số lĩnh vực tư pháp được các đại biểu tham dự trình bày. Đồng thời, đại diện một số cơ quan nhà nước ở Trung ương cũng như một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng trao đổi, thảo luận, chia sẻ tại Hội nghị để hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2020./.

Phú Toàn