Theo đó, để việc nhập dữ liệu đăng ký khai sinh vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và tiếp nhận số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thuận lợi, hạn chế các vướng mắc phát sinh, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo công chức tư pháp - hộ tịch tăng cường rà soát, kiểm tra các trường hợp khai sinh đủ điều kiện được cấp số định danh cá nhân đã được nhập vào phần mềm, đảm bảo dữ liệu được nhập là chính xác so với sổ, hồ sơ đăng ký khai sinh và thực hiện gửi yêu cầu cấp số định danh cá nhân. Trường hợp có vướng mắc khi tiếp nhận số định danh cá nhân thì thực hiện như sau:

Đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp số định danh cá nhân nhưng phần mềm thông báo trạng thái “Đã có lỗi”, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch xem chi tiết lỗi và thực hiện theo Hướng dẫn xử lý lỗi;

Đối với các dữ liệu khai sinh đủ điều kiện được cấp số định danh cá nhân nhưng phần mềm thông báo trạng thái “Chờ BCA cấp số ĐDCN” trong thời gian dài (từ 24 giờ trở lên) vẫn chưa được cấp số định danh cá nhân, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch liên hệ với Bộ phận hỗ trợ phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp để được hỗ trợ (gửi lại yêu cầu cấp số);

Trường hợp nếu việc đăng ký khai sinh của công dân là hợp lệ nhưng dữ liệu khai sinh chưa thể “Hoàn thành” do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa trả về số định danh cá nhân, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch vẫn thực hiện in Giấy khai sinh từ Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và trả Giấy khai sinh (chưa có số định danh cá nhân) cho công dân. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về số định danh cá nhân, công chức tư pháp-hộ tịch thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 4756/BTP-HTQTCT ngày 18/12/2020.

Sở Tư pháp chỉ đạo các Phòng Tư pháp cấp huyện tăng cường rà soát, kiểm tra các dữ liệu đăng ký khai sinh đã được các UBND cấp xã trên địa bàn nhập vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử, đôn đốc các UBND cấp xã kịp thời cập nhật, hoàn thành các dữ liệu đã được nhập vào phần mềm, không để các dữ liệu ở tình trạng “Lưu nháp”, “Đã có lỗi”, “Từ chối hủy”, gây khó khăn cho công tác thống kê dữ liệu.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp trao đổi với Công an tỉnh/thành phố, quán triệt cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú khi tiếp nhận thông tin đăng ký cư trú của công dân, nếu thấy có sai lệch thông tin giữa Giấy khai sinh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần trao đổi ngay với công chức tư pháp-hộ tịch để xác minh, nếu thông tin trong Giấy khai sinh là đúng thì cần kịp thời cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phù hợp với thông tin khai sinh theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 60 của Luật Hộ tịch.

Giấy khai sinh (chưa có số định danh cá nhân) được cấp cho các trường hợp do lỗi của hệ thống, thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Giấy khai sinh được cấp vẫn là hợp lệ nên Sở Tư pháp cần trao đổi thống nhất với Cơ quan công an và Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố để các Cơ quan này có chỉ đạo tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký cư trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi theo đúng quy định, không được từ chối với lý do “không có số định danh cá nhân”.

Đối với các trường hợp này, sau khi tiếp nhận và ghi số định danh cá nhân vào Sổ đăng ký khai sinh, đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã nơi đã thực hiện đăng ký khai sinh gửi thông báo về việc đã ghi số định danh cá nhân vào thông tin khai sinh để Cơ quan đăng ký cư trú và Cơ quan bảo hiểm xã hội biết và cập nhật vào các hệ thống phần mềm có liên quan./.

 

Thành Đạt