Xác định được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thới Bình đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông qua các hình thức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, biên soạn tài liệu pháp luật để cung cấp cho các Tổ hòa giải ở cơ sở, hoà giải viên nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật đội ngũ hòa giải viên.

(6 tháng đầu năm 2021 các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã hòa giải thành 250 đơn - ảnh minh họa)

Toàn huyện Thới Bình hiện có 104 Tổ hòa giải ở 95 ấp, khóm với 654 hòa giải viên. Trong đó, có 541 nam, 113 nữ, 18 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Công tác củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho Tổ hòa giải và hòa giải viên luôn được UBND các cấp quan tâm. Cơ cấu, tổ chức của các Tổ hoà giải cơ bản đầy đủ các thành phần tham gia như: Bí thư chi bộ, trưởng ấp và các đoàn thể ấp. Về trình độ, đa số các hòa giải viên có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, một số hòa giải viên có trình độ trung cấp, đại học, chuyên môn luật, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hoà giải. Điểm nổi bật của những hòa giải viên lớn tuổi là có uy tính, kinh nghiệm và có khả năng thuyết phục, vận đông các bên tranh chấp bằng cách thương lượng giải quyết vụ việc.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trên địa bàn huyện đều đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy định của Luật hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác hòa giải cơ sở, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho các Tổ hòa giải, hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định. Qua đó, hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện không ngừng phát triển. Hoạt động hoà giải cơ sở đã và đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Kết quả trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện tiếp nhận 303 đơn, đưa ra hòa giải 303 đơn, hòa giải thành 250 đơn, đạt 83%, hòa giải không thành và chuyển cơ quan chức năng thụ lý 53 đơn.

Thực hiện thí điểm mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2022 theo hướng dẫn liên ngành giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, xã Biển Bạch Đông là một trong ba đơn vị cấp xã được tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình. Qua rà soát, kiện toàn, xã Biển Bạch Đông có 12 tổ hòa giải với 94 hòa giải viên. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 các Tổ hòa giải của xã đã tiếp nhận 27 đơn yêu cầu của công dân, hòa giải thành 22 đơn, đạt 81%, chuyển cơ quan chức năng 05 đơn. Qua hòa giải, các bên tranh chấp đã tự nguyện hoàn trả cho nhau 25 chỉ vàng 24K và 18.500.000 đồng tiền tranh chấp hụi.

Qua kết quả hoạt động của mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt”, cho thấy được sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, lãnh đạo UBND huyện; sự phối hợp giữa Phòng Tư pháp và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện; sự chỉ đạo về chuyên môn của Phòng Tư pháp huyện; sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, UBND cấp xã; sự phối hợp đồng bộ giữa các cán bộ, công chức cấp xã và các ấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ hòa giải được kiện toàn và luôn nhiệt tình trong công tác hòa giải ở địa phương mình. Quá trình hoạt động hòa giải luôn bám sát các quy định pháp luật và vận dụng đạo đức xã hội, tập quán, quy ước, hương ước ở địa phương để thực hiện trong công tác hòa giải ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số đơn vị chưa bảo đảm cơ cấu hòa giải viên nữ, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hòa giải, nhất là những vụ việc về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Một số hòa giải viên nhiệt tình, nhưng do tuổi cao, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng thuyết trình, vận dụng pháp luật để phân tích hòa giải còn hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện tốt các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hoà giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động này. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở để các hòa giải viên nhằm không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở sẽ giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của của Nhà nước và Nhân dân./.                                                     

                                                                                      Công Đoàn