- Về người có nghĩa vụ kê khai hằng năm: Tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ ban hành về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định 130/2020/NĐ-CP) quy định người có nghĩa vụ kê khai hằng năm gồm: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên, Thẩm phán; Những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số ngành lĩnh vực được nêu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP; Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.

- Thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai: Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp với thành phần tham dự bảo đảm đúng theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều 11 của Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai. Đối với hình thức công khai tại cuộc họp thì phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập.

- Trước ngày 31/01 hằng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hằng năm. Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch. Kế hoạch xác minh hằng năm phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lụa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

- Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng, cụ thể:

+ Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

+ Đối với người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

+ Đối với người có nghĩa vụ mà kê khai không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

- Việc kê khai khai tài sản, thu nhập được thực hiện lần đầu, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.

Mặc khác, việc kê khai tài sản còn bảo đảm về là quyền lợi của công chức, viên viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bởi vì, theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì khi được đề bạt, bổ nhiệm hay tham gia ứng cử thì công chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Việc thực hiện kê khai tài sản trung thực, đúng quy định sẽ bảo đảm quyền lợi của công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, được giới thiệu ứng cử. Đồng thời, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của công chức, viên chức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Có thể thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là rất quan trọng góp phần phòng ngừa hành vi pham nhũng, tiêu cực./.

Thanh long