(Cấp xã đạt chuẩn Tiếp cận pháp luật là cơ sở pháp lý để đề nghị xét công nhận cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh)

Năm 2022, tỉnh Cà Mau có 98/101 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 (tăng 01 xã so với năm 2021) chiếm tỷ lệ 97%; 03 đơn vị chưa đạt chuẩn (giảm 01 đơn vị so với năm 2021). Qua kết quả cho thấy, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ và đúng nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu và trình tự, thủ tục theo quy định; đồng thời gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Hướng dẫn thực hiện Tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh. Đồng thời Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong nội bộ nhân dân; tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân;  Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận…

(Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp trao đổi với đại biểu tại Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022)

Bên cạnh công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thì hoạt động thông tin truyền thông và tập huấn cũng là giải pháp tác động tích cực đến kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Để công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất, đúng quy định, Sở Tư pháp phối hợp với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 250 đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác truyền thông, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

(Đội ngũ hòa giải viên ở cở sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau thường xuyên được tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở)

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức 04 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho gần 400 hòa giải viên tại các huyện U Minh, Phú Tân, Đầm Dơi và Năm Căn. Qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cở sở, nhằm giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương, nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ta Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của Nhà nước và của Nhân dân.

(Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên cập nhật, đăng tải các nội dung về xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật)

Bên cạnh đó, để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng mạng xã hỗi trong công tác phổ biến, truyền thông Sở Tư pháp mở mục “Tiếp cập pháp luật” trên Trang thông tin PBGDPL (http://pbgdpl.camau.gov.vn) đã thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành của trung ương, của tỉnh và của Sở; đăng tải, công bố danh sách đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa tỉnh để làm căn cứ trong việc rà soát, chỉ đạo, xác nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thu hút được 295 bài dự thi; Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau thực hiện phát sóng 04 tin, phóng sự truyền hình về nội dung tuyên truyền công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Từ kết quả đạt được trong xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã cho thấy được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Không những thế, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn thông qua các chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá, từ đó thấy được mức độ tiếp cận pháp luật của người dân để có giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của tỉnh Cà Mau vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế. Dù được chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, nhưng năm 2022 vẫn còn 03 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số đơn vị cấp huyện, cấp xã từng lúc chưa chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; quá trình thực hiện nhiệm vụ đôi lúc còn lúng túng; việc đánh giá còn một vài tiêu chí cần phải kiểm tra, xác minh, văn bản kiểm chứng, chứng minh cụ thể; Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hoạt động hiệu quả chưa tốt, chưa đồng đều; vẫn còn 02 đơn vị cấp huyện ban hành Quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đảm bảo thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng xem việc xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của Công chức Tư pháp - Hộ tịch nên chưa có sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các công chức cấp xã.

(Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau thường xuyên kiểm tra Tiêu chí Tiếp cận pháp luật tại các địa phương. Trong ảnh, bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở phát biểu tại buổi kiểm tra thực tế tại huyện Thới Bình)

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đất chuẩn tiếp cận pháp luật, nhằm góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, vai trò và tác động của công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng mô hình, hình thức PBGDPL hoạt động hiệu quả được duy trì thường xuyên, tiến hành nhân rộng các mô hình, hình thức hoạt động hiệu qua trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò từng thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận cấp huyện trong theo dõi, tư vấn thực hiện nhiệm vụ này; chỉ đạo, phân công và phối hợp chặt chẽ của cán bộ, công chức các ngành phụ trách tiêu chí, đảm bảo theo dõi chặt chẽ, đánh giá, chấm điểm sát tình hình, đúng quy định./.

Phú Toàn