Thực hiện pháp luật về Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ ngày 01/01/2014, ngày Luật Hòa giải ở cơ sở Luật số: 35/2013/QH13 ngày 20/6/2013  có hiệu lực thi hành đến nay, các địa phương, cơ sở đã cũng cố, kiện toàn 949 Tổ hòa giải ở cơ sở, mỗi tổ từ 03 đến 07 Hòa giải viên; tính đến 30/6/2020 toàn tỉnh Cà Mau có với 6.283 Hòa giải viên được công nhận; Trong đó có 1.204  nữ và 22 tổ viên là người dân tộc; so với cùng nhiệm kỳ giảm 104 Hòa giải viên.

Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải ở cơ sở từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2020 là 20.937 vụ việc; các tổ hòa giải đã tổ chức đưa ra hòa giải thành 16.809 vụ việc; trung bình hàng năm kết quả hòa giải thành đạt từ 82% trở lên. Qua hòa giải thành, các bên hoàn trả cho nhau gồm những tài sản như: Đất, tiền, vàng, các tài sản khác và các loại giấy tờ có giá trị như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu…, đơn cử như: huyện Trần Văn Thời, năm 2019 kết quả hòa giải ở cơ sở các bên hoàn trả cho nhau 01 tỷ 100 triệu đồng, 11 chỉ vàng 24kra. Ngoài vật chất hoàn trả cho nhau, kết quả lớn hơn trong hòa giải ở cơ sở không thể cân đong đo đếm được là góp phần giử gìn nền văn hóa truyền thống đoàn kết của người Việt Nam, mối quan hệ gia đình, làng xã, cộng đồng dân cư với phương châm “tối lửa tắt đèn có nhau”; Hòa giải thành ở cơ sở đạt được kết quả cao còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa pháp luật trong cộng đồng dân cư, xóm làng đem lại sự an lành và thể hiện sự ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, ấp, khóm văn hóa, gia đình văn hóa.

Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều thỏa mãn được những mong muốn nhất định của mình (có khi chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải được mâu thuẫn).  Với kết quả hòa giải thành còn giúp các bên tranh chấp không phải tốn kém các khoản tiền chi phí đi lại, thuê mướn luật sư, phôto tài liệu giấy tờ, công sức, thời gian đi lại đến cơ quan công quyền, ảnh hưởng công ăn, việc làm, thu nhập của các bên; đồng thời không để xảy ra chi phí của các cơ quan pháp luật, không phải bố trí con người, cơ sở vật chất để giải quyết vụ việc. Qua đó cho thấy các “Hòa giải viên” là những nhân tố nhỏ, hàng ngày gắn kết với xóm làng; việc làm của họ không có lương từ ngân sách nhà nước nhưng đã đem lại kết quả được xem là “phi thường” thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đây là thành tích đáng ghi nhận và biểu dương.

Bên cạnh kết quả hòa giải đạt được cho ta thấy còn vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp địa phương, chủ công là Sở Tư pháp tỉnh, đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở như: Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện công tác Hòa giải ở cơ sở, Kế hoạch giai đoạn, tổ chức tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở…; Các hoạt động nhằm tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và cung cấp tài liệu liên quan đến công tác HGCS, từ năm 2014 đến nay đã tổ chức 249 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 29.880 lược Hòa giải viên; đã cấp 2.480 tập tài liệu, Luật Hòa giải ở cơ sở và  967 quyển sổ tay pháp luật về Hòa giải ở cơ sở. In ấn, cấp phát đến tận cơ sở ấp, khóm và nhân dân 45.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở; cấp phát Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho từng tổ hòa giải trên địa bàn ấp khóm trên toàn tỉnh để cập nhật theo dõi kết quả hoạt động hòa giải ở địa phương cơ sở.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, Sở Tư pháp đã chủ động kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản ngay đầu năm 2020 về việc thực hiện Đề án ”Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020; Đồng thời phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Cà Mau ban hành Hướng dẫn liên ngành số 01/HDLN-TP-MTTQVN ngày 15/6/2020  về việc Hướng dẫn liên ngành triển khai thực hiện thí điểm mô hình “ Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mối giai đoạn 2020-2022, triển khai, tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 03 đơn vị được tỉnh chọn chỉ đạo điểm mô hình“ Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2022, gồm: thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi; phường 9, thành phố Cà Mau và xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình.

Tin rằng công tác Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới sẽ được các cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân quan tâm hơn, nhất là vai trò chủ công của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp trong lựa chọn nhân sự “ Hòa giải viên” và xây dựng tổ Hòa giải ở cơ sở; thường xuyên kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở, có giải pháp Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022 trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả  mô hình “ Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2020-2022; góp phần nâng cao đời sống văn hóa pháp luật trong cộng đồng dân cư, đem lại sự an lành và thể hiện sự ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, ấp, khóm văn hóa, gia đình văn hóa trên địa bàn./.

                                                                      Nguyễn Mạnh