Theo đó giao Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ khả năng ngân sách và tình tình thực tế quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện cho phù hợp. Ngày 07/7/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND về phân bổ định mức chi đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau (gọi tắt là: Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2017 và được áp dụng cho đến nay.

1. Tình hình và kết quả thực hiện

Thực hiện Thông tư số 338 và Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND, hàng năm, cơ quan phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành. Cơ bản, bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc thực hiện lập dự toán và quyết toán kinh phí: Hàng năm, cơ quan phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện lập dự toán đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành. Đồng thời, việc lập, phân bổ dự toán và thanh quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Nội dung và định mức chi theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND được phân bổ như sau:

Định mức chi thực hiện theo phương thức khoán sản phẩm hoàn thành đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế, cụ thể: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 10.000.000 đồng/văn bản; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện 8.000.000 đồng/văn bản; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã 6.000.000 đồng/văn bản.

Định mức chi thực hiện theo phương thức khoán sản phẩm hoàn thành đối với văn bản sửa đổi, bổ sung bằng 80% định mức chi đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế tương ứng với từng cấp.

Căn cứ vào định mức chi nêu trên, Nghji quyết số 17/2017/NQ-HĐND phân bổ định mức chi cho các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được chi 75%; Cơ quan thẩm định văn bản được chi 05%; UBND các cấp họp thông qua văn bản được chi 10%; Cơ quan hoàn thiện và ký ban hành văn bản được chi 10%.

2. Khó khăn, vướng mắc

- Đối với Thông tư số 338:

Qua 05 năm triển khai thực hiện, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Hiện nay tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu; mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong các năm gần đây đã có sự gia tăng mạnh. Chính vì vậy, mức chi quy định tại Thông tư số 338 không còn phù hợp, đặc biệt là đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương.

Đối với những văn bản có tính chất phức tạp như xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật,… phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế để xây dựng định mức, quy chuẩn, báo cáo thuyết minh, báo cáo thẩm định định mức, thuê chuyên gia, tổ chức các cuộc họp với nhiều cá nhân, đơn vị liên quan tham gia… Do đó, việc quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật: 10 triệu đồng/văn bản theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 338 là rất thấp, chưa đảm bảo hiệu quả cho công này.

Định mức phân bố kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chưa rõ ràng, cụ thể: tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 5 Thông tư số 338 chưa đưa ra được tiêu chí để xác định văn bản như thế nào là phức tạp, ít phức tạp và số lượng lấy kiến tham gia bao nhiêu là nhiều, bao nhiêu là ít, gây khó khăn trong công tác thẩm định và phân bổ dự toán.

Các nội dung chi trong Thông tư số 338 chưa bao quát hết các hoạt động liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật như: Thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; thù lao cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật...

- Đối với Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND:

Trên cơ sở định mức được giao theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 338 (10 triệu đồng/văn bản), Hội đồng nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa mức chi tại Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND, gồm 04 nội dung: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được chi 75%; Cơ quan thẩm định văn bản được chi 05%; UBND các cấp họp thông qua văn bản được chi 10% và Cơ quan hoàn thiện và ký ban hành văn bản được chi 10%. Còn tất cả các nội dung khác theo quy định tại Thông tư số 338 không được chi, cụ thể như: góp ý dự thảo văn bản, báo cáo tiếp thu, giải trình; chi cho Hội đồng tư vấn thẩm định; soạn thảo, thẩm định đề nghị xây dựng chính sách,…

Về phương pháp thực chi theo Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND: Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, họp thông qua, hoàn thiện và ký ban hành văn bản sẽ thanh, quyết toán tại Hội đồng nhân dân (đối với nghị quyết) và tại Ủy ban nhân dân (đối với quyết định), cơ quan soạn thảo, thẩm định không dự toán ngân sách cho công tác này. Trong khi tại khoản 1, Điều 2 Thông tư số 338 quy định: Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Vấn đề này cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định văn bản.

Tại khoản 4, Điều 3 Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND quy định: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định không ban hành văn bản đã xây dựng xong hoặc dừng lại không xây dựng tiếp; cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định văn bản được phép thanh, quyết toán phần kinh phí đã thực hiện tương ứng trên cơ sở chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định của pháp luật nhưng tối đa không vượt quá định mức phân bổ cho từng cơ quan theo khoản 3 Điều này. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua khi thanh toán kinh phí thẩm định văn bản thì khi văn bản được ban hành hoặc thông qua mới được chi.

3. Giải pháp hoàn thiện

Để đảm bảo thể chế phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo dõi tình hình thi hành pháp luật được hoàn thiện, đầy đủ, tạo cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng thống nhất, đề xuất Bộ Tài chính một số nội dung, như sau:

- Một là, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 338 theo hướng rõ ràng, cụ thể để các đơn vị, địa phương áp dụng mà không cần thiết giao cho địa phương ban hành văn bản quy định nội dung này.

- Hai là, nghiên cứu ban hành văn bản (Thông tư quy định riêng) để hướng dẫn việc sử dụng kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng toàn diện, đầy đủ các nội dung chi, mức chi.

- Ba là, nâng các mức chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương, đặc biệt là đối với cấp tỉnh đảm bảo tương đồng với các dự thảo Thông tư của các bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tính chất, thẩm quyền, nội dung của văn bản và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay./.

 

Trọng Kiện