Theo quy định pháp luật, thanh tra có vị trí, vai trò khá quan trọng được thể hiện cụ thể trong các văn bản pháp luật về thanh tra, nhất là từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đến Luật Thanh tra năm 2010 được xem như một khâu quan trọng của quản lý nhà nước. Công tác thanh tra luôn được khẳng định là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, gắn liền với quản lý nhà nước. Tính thiết yếu của hoạt động thanh tra trong quản lý nhà nước được thể hiện thông qua những vai trò cụ thể là thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, thanh tra là một phương thức đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, là một biện pháp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định định của Luật thanh tra năm 2010, thanh tra được hiểu là hoạt động kiểm tra, xem xét đánh giá của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được thực hiện bởi cơ quan chuyên trách theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, để kiến nghị các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Với vai trò quan trọng của mình, ngoài việc góp phần bảo đảm pháp chế XHCN, theo đó cũng đã góp phần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, thông qua đó kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong thể chế, chính sách hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động thanh tra cũng không kém phần khó khăn, gian nan, nguy hiểm, trở ngại, bởi: do sự phát triển của nền kinh tế và trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế đất nước, theo đó Đảng, nhà nước luôn có chủ trương phòng, chống những biểu hiện tham ô, tham nhũng, nhận diện và chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường nhằm phát hiện xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu … để làm tốt được các công việc này thì vai trò, vị trí của hoạt động thanh tra là quan trọng là cần thiết. Đòi hỏi trước tiên là người làm công tác thanh tra phải luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, không bị cám dỗ bởi những vật chất. Bởi lẽ, trước tình hình hiện nay, Đảng, nhà nước, nhân dân đã và đang tập trung xây dựng đất nước phát triển, làm cho cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên, tạo ra cho một xã hội văn minh lành mạnh. Trước sự phát triển đó, bên cạnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi, có nguy cơ cơ sa đà, lệch lạc định hướng dẫn đến vi phạm pháp luật, như thời gian qua trên các phương tiện truyền thông trong nước nói chung và nói riêng địa phương chúng ta đã điển hình. Những sai phạm đó đã để lại những hậu quả không nhỏ cho kinh tế đất nước nói chung và nói riêng ở địa phương, như: nền kinh tế sẽ bị suy giảm, lòng tin nhân dân đối với Đảng, nhà nước giảm sút, giá trị văn hóa, pháp luật bị xoáy mòn. Hậu quả này, theo tôi nhận thấy có một số nguyên nhân, đó là: Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị từng lúc chưa được quan tâm đúng múc, còn ngại va chạm; các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng hoặc có làm nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên liên tục…

Để khắc phục hạn chế nêu trên, trong thời gian tới đòi hỏi người cán bộ thanh tra cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau để tiếp tục xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, nhà nước và nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất: Phải ra sức học tập, nghiên cứu pháp luật chuyên ngành, văn bản pháp luật liên quan mang tính bao quát, toàn diện trên nhiều lĩnh vực để áp dụng trong chuyên môn, thực tiễn đạt hiệu quả.

Thứ hai: Nâng cao hơn nữa về bản lĩnh chính trị, vững vàng trong mọi tình huống, am hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nắm bắt kịp thời, những quy định mới của Đảng, nhà nước, có thái độ quan điểm rỏ ràng trong hoạt động thanh tra để đấu tranh phòng chống các hành vi tiêu cực, như: bị mua chuộc, cám dỗ … dẫn đến cố ý làm sai.

Thứ ba: Cán bộ làm công tác thanh tra phải gương mẫu, có đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh trong công việc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thanh tra, không để xảy ra sai sót trong hoạt động thanh tra.

Thứ tư: Thực hiện công tác thanh tra phải có sức thuyết phục, thấu tình, đạt lý. Thanh tra không chỉ góp phần làm trong sạch nội bộ mà còn nhằm uốn nắn kịp thời những vi phạm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Trong tình hình hiện nay của đất nước nói chung và ở địa phương nói riêng, sự phát triển về kinh tế - xã hội, yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng cao đòi hỏi hoạt động thanh tra phải thực sự ngày càng linh động, hiệu quả. Để làm tốt được chức năng của mình không để bị mua chuộc, sa ngã, cám dỗ thì đòi hỏi người làm công tác thanh tra phải thực sự mẫu mực, liêm khiết, tự rèn luyện, điều chỉnh bản thân, ra sức học tập thấm nhuần lời dạy của Bác “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”; trong thi hành công vụ phải công minh, khách quan, thận trọng, khiêm tốn, có làm tốt được như vậy, trong thời gian tới hoạt động thanh tra từng bước sẽ được chuẩn hóa, nền nếp hiệu quả hơn, tạo được lòng tin của Đảng, nhà nước và nhân dân./.                                                                      

    Chí Thành