*Thời giờ làm việc:

Là khoảng thời gian người lao động phải làm việc, thực hiện nghĩa vụ lao động của mình, là thời gian mà người lao động phải tiến hành lao động theo quy định của pháp luật, theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo hợp đồng lao động mà người lao động đã ký kết với người sử dụng lao động để sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị, năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nhằm cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. Đối với giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

* Thời giờ nghỉ ngơi:

Là khoảng thời gian người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động, không phải làm việc và có toàn quyền sử dụng thời gian này theo ý của mình, là khoảng thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo, sản xuất lại sức lao động của mình đã bị tổn hao trong quá trình làm việc trước khi chuyển sang ca làm việc tiếp theo nhằm bảo đảm quá trình lao động được diễn ra xuyên suốt, liên tục.

- Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:

+ Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

+ Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động. Việc pháp luật lao động quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả người sử dụng lao động và người lao động, tạo hành lang pháp lý vừa bảo vệ sức khỏe cho người lao động để họ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, vừa không làm giảm sút khả năng lao động, khả năng sáng tạo của họ, giúp họ biết rõ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của mình từ đó sẽ chủ động bố trí quỹ thời gian cá nhân hàng ngày, hàng tuần, hàng năm cho hợp lý, qua đó họ sẽ càng tự giác tuân thủ kỷ luật và nội quy lao động của doanh nghiệp; còn về phía người sử dụng lao động thì họ cũng không thiệt hại, ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, giúp họ tính toán được đúng chi phí nhân công, tiền lương phải chi trả cho người lao động theo thời giờ làm việc và nghỉ ngơi khác nhau của từng người lao động, góp phần thực hiện pháp luật lao động một cách nghiêm minh.

Tuy nhiên, hiện nay với những sự thay đổi của Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì vấn đề người lao động hiện nay đang rất quan tâm đó là thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động có được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương hay không và vấn đề này được Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động như sau:

- Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương:

+ Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.

+ Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

+ Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

+ Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.

+ Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

+ Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

+ Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.

+ Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.

+ Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

+ Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

- Khoản 2 Điều 64 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

- Tại Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca

+ Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.

+ Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).

+ Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau: Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên và thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

Như vậy, căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục và không được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương; trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Tóm lại, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc và được hưởng lương chỉ áp dụng đối với những người lao động làm việc theo ca liên tục, còn đối với những người lao động làm việc theo giờ làm việc bình thường thì sẽ không được tính./.

 

Hạnh Nguyên