Theo đó, vấn đề bình đẳng giới trong Luật hòa giải ở cơ sở đã tạo cho nam và nữ có cơ hội như nhau trong việc sử dụng hòa giải ở cơ sở giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Lần đầu tiên vấn đề bình đẳng giới được đưa vào nguyên tắc hoạt động hòa giải. Cụ thể, Khoản 5 Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định “Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở”. Qua đó đã thấy được tính giới và thể hiện rõ sự bình đẳng giới trong hòa giải. Đồng thơi, quy định chung về giới cho các hòa giải viên, các bên là thành viên gia đình hoặc cá nhân tham gia hòa giải, không có sự phân biệt đối xử về giới, mọi người đều có thể tham gia hòa giải và được hòa giải.

Nguyên tắc này được cụ thể hóa trong các quy định đối với hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải (từ Điều 7 đến Điều 15) thể hiện và bảo đảm sự bình đẳng về giới trong việc lựa chọn, bầu hòa giải viên; trong quyền, nghĩa vụ của các hòa giải viên cũng như bầu tổ trưởng tổ hòa giải.

Về tiêu chuẩn hòa giải viên, Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật và tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải. Như vậy, đây là những tiêu chuẩn chung cho cả nam và nữ, không có sự phân biệt đối xử.
Về bầu, công nhận hòa giải viên, Điều 8 của Luật quy định người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên đều có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Như vậy, trong việc bầu và công nhận hòa giải viên cũng không có sự phân biệt về giới tính giữa nam và nữ.

Việc bầu tổ trưởng Tổ hòa giải (Điều 14 Luật Hòa giải ở cơ sở) cũng không có sự phân biệt về giới, theo đó, Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên của tổ để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng Ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận.

Về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, theo quy định tại Điều 9, Điều 10 của Luật, tất cả các hòa giải viên không phân biệt nam, nữ đều có quyền thực hiện các hoạt động hòa giải, được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; được hưởng thù lao theo vụ, việc, được khen thưởng… đồng thời tất cả các hòa giải viên đều có nghĩa vụ thực hiện hòa giải khi có căn cứ quy định tại Luật, tuân thủ các nguyên tắc hòa giải…

Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong tổ chức của tổ hòa giải ở cơ sở, theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Trên thực tế, việc có hòa giải viên nữ trong thành phần tổ hòa giải đã góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm cho nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cộng đồng dân cư./.

Phú Toàn