Tỷ lệ chuyển đổi Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng vẫn còn thấp vì nhiều lý do, trong đó có hạn chế về nguồn lực của nhà nước đối với việc triển khai thực hiện, người dân chưa biết về quy định của pháp luật, chưa biết về cơ hội được chuyển và lợi ích của việc chuyển đổi, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa - xã hội...”, là một trong những nội dung Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thiết nghĩ, việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng trong trường hợp này sẽ mang lại những hiệu quả tích cực như: tránh được các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp, đảm bảo quyền của người sử dụng đất và làm minh bạch hơn trong quan hệ sử dụng đất đai, góp phần hạn chế các mâu thuẫn không đáng có nội tại gia đình, nâng cao vị thế, trách nhiệm của người phụ nữ trong các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất như: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thế chấp... Thế nhưng, thực tế cho thấy việc cấp Giấy chứng nhận là có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình, có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng trên Giấy chứng nhận cũng như việc thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng vẫn còn những rào cản nhất định, đó là:

- Theo quy định của pháp luật về đất đai thì chưa có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng trong khi việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất.

- Công tác tuyên truyền, vận động (nhất là các tổ chức đoàn thể) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục,... để vừa thuận lợi cho công tác quản lý vừa bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các đối tượng sử dụng đất.

 - Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp cho tài sản chung là của vợ và và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận, với kinh phí ước tính cho việc thực hiện cấp đổi trên khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 500.000 đồng cho 01 Giấy chứng nhận thực hiện cấp đổi). Đây là nguồn kinh phí rất lớn trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, dẫn đến việc thực hiện cấp đổi khối lượng Giấy chứng nhận trên còn gặp nhiều khó khăn, nên việc thực hiện theo địa bàn còn thiếu tập trung, còn dàn trải, phải phân kỳ thực hiện nên thời gian thực hiện dài làm giảm hiệu quả.

 - Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về những lợi ích của việc Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng mà coi việc ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận là phiền hà về thủ tục, khó khăn khi mọi giao dịch liên quan đều cần có mặt của cả vợ và chồng hoặc không cũng phải có thủ tục uỷ quyền mà chưa thấy việc làm trên sẽ đem lại cho người phụ nữ sự an toàn về mặt pháp lý.

- Vẫn còn tình trạng cán bộ chưa giải thích, hướng dẫn kịp thời khi người sử dụng đất thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền dụng đất có tên cả vợ và chồng đối với trường hợp quyền sử dụng đất là của chung hộ gia đình, chung cuả vợ chồng.

Để tạo sự bình đẳng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng là cần thiết. Do đó, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng cho người dân và đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và tập trung truyền thông để người dân hiểu và tạo ra sự đồng thuận của đông đảo nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Hoạt động tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh các nội dung cụ thể như: lợi ích về kinh tế, xã hội, quyền bình đẳng của vợ chồng sử dụng đất…, nhằm thực hiện khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai, Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai...thông qua các hình thức như tổ chức tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề trong các cơ quan, đơn vị, trong các khu dân cư… giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin, thúc đẩy sự sáng tạo để phụ nữ cống hiến cho xã hội. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý nói chung và nhận thức về bình đẳng giới nói riêng; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên một người sang Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng cho người có nhu cầu./.

          Phạm Thảo