Ngày 10/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Công văn hỏa tốc số 308-CV/TU về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, để ứng phó, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với trách nhiệm cao nhất với nhân dân, vì sức khỏe của nhân dân khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế trong thời gian qua, tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nội dung cụ thể sau đây:

 Chốt kiểm soát phòng, chống dịch được thiết lập tại xã An Xuyên, thành Phố Cà Mau

Toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến ấp, khóm phải xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách với tinh thần thần tốc "chống dịch như chống giặc"; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhanh nhất, kịp thời nhất, với phương pháp, cách làm thật sự đổi mới, linh hoạt, hiệu quả nhất trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; không hốt hoảng, hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh.

Ngành y tế tập trung thực hiện thật tốt và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó đặc biệt lưu ý phối hợp cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát các điểm, chốt, nhất là các điểm, chốt các tuyến cửa vào tỉnh Cà Mau phải nhanh chóng, kịp thời, chặt chẽ, xác định được địa chỉ những người ngoài tỉnh đến/về; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý những người đến/về tỉnh như triển khai các phần mềm, ứng dụng Bluezone khai báo y tế, quét mã Bluezone để kiểm soát tất cả mọi người có mặt tại địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện ngay bảng hướng dẫn khai báo ý tế tại nơi công cộng, khu dân cư, các trạm, chốt. Thực hiện việc quản lý, cách ly, điều trị các trường hợp F0, F1, F2, F3 nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn, đúng quy định của Bộ Y tế; tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh cho điều trị bệnh nhân F0; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và các khu cách ly; đồng thời khẩn trương chuẩn bị các điều kiện thành lập bệnh viện dã chiến (nhân lực, phương tiện, dụng cụ, thiết bị...), đảm bảo khi có yêu cầu phải kích hoạt hoạt động ngay (nếu khi có yêu cầu mà không đảm bảo đưa vào hoạt động thì những đồng chí được giao trách nhiệm phải chịu trách nhiệm về hậu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh).

Đối với đối tượng F1 phải cách ly tập trung theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trước tình hình diễn biến phức tạp hiện nay đối với tất cả những người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tâm dịch của các địa phương khác về Cà Mau (đã có thời gian lưu trú ở thành phố Hồ Chí Minh và các vùng tâm dịch) thì phải thực hiện cách ly tập trung. Yêu cầu thông tin rộng rãi để mọi người dân nắm chủ trương này để thực hiện đúng.

Đối với những người từ thành phố Hồ Chí Minh và từ vùng dịch về Cà Mau từ ngày 20/6/2021 trở lại đây mà đã về gia đình (chưa cách ly tập trung) thì phải cách ly tại gia đình và cách ly cả gia đình (riêng đối với người từ vùng dịch về bị cách ly tại gia đình phải được quản lý, giám sát thật chặt chẽ theo đúng quy định); yêu cầu từng người trong gia đình đó phải khai báo đầy đủ, chính xác trong 20 ngày qua có tiếp xúc với những ai, để yêu cầu những người đó tự cách ly tại nhà và theo dõi y tế. Thông báo cho khu vực xung quanh có ai tiếp xúc với người trong gia đình đó phải khai báo và tự cách ly tại nhà; tất cả các địa phương in Quy định của Bộ Y tế về cách ly tại gia đình gửi từng gia đình để căn cứ thực hiện; đồng thời phải gắn biển (nền đỏ, chữ vàng, kích thước rộng 0,4cm, dài khoảng 0,8 mét) ghi chữ "Hộ cách ly y tế" kèm theo tên và số điện thoại của cán bộ y tế được phân công theo dõi để tiện liên hệ, gắn trước cửa nhà để gia đình bị cách ly và người dân xung quanh biết để giám sát; tuyên truyền vận động mọi người để bảo vệ sức khỏe chung, không được kỳ thị, phân biệt.

Đối với các đối tượng F2, F3, F4 đề nghị các các địa phương tiếp tục truy vết thật nhanh, thống kê đầy đủ, chính xác để quản lý và cách ly theo quy định.

Đối với các khu cách ly tập trung yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung (về vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiếp xúc giữa những người cách ly, giữa các phòng cách ly với nhau và giữa người làm nhiệm vụ và người bị cách ly, xe đưa rước người bị cách ly...), tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Về trang thiết bị, vật tư y tế phải chủ động trang bị, mua sắm kịp thời, đồng bộ, ứng với từng cấp độ phòng, chống dịch. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng diện rộng vắc xin Covid-19, chủ động, tranh thủ đăng ký với Bộ Y tế để có nguồn vắc xin; có phương án quản lý, bảo quản thật tốt vắc xin. Rà soát, tính toán thật kỹ phương án huy động nguồn nhân lực y tế để đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống (có phương án đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trong trường hợp cần thiết); tập huấn chuyên môn từng khâu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng trong ngành y tế (lực lượng tiêm vắc xin, lực lượng điều trị bệnh, lực lượng truy vết, giám sát...).

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý thật chặt chẽ các phương tiện giao thông (bộ, thủy, hàng không) (đi - về từ đâu, phạm vi nào, tổ chức đưa rước khách ra sao?) phải thực hiện nghiêm, đúng các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt quản lý xe dịch vụ lẻ kinh doanh; phối hợp chính quyền địa phương quản lý hành trình của từng phương tiện, từng hành khách. Yêu cầu chính quyền địa phương nắm chặt số lượng xe kinh doanh dịch vụ lẻ trên địa bàn, nắm hành trình của từng xe (quy định bắt buộc chở khách phải khai báo với chính quyền địa phương), nếu không khai báo có biện pháp xử lý theo quy định. Đối với xe vận tải hàng hóa, phải đảm bảo vận chuyển hàng hóa đi không để ách tắc, không để sản xuất không tiêu thụ được (lưu ý thủ tục chuyển đi phải đúng quy định phòng, chống dịch); đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa cung ứng về tỉnh (cả vật tư, vật liệu, nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) phải có kế hoạch kỹ lưỡng từ khâu nhận, giao, không để xe các tỉnh chuyển hàng hóa về tỉnh xuống các điểm lẻ (không kiểm soát được); áp dụng đầy đủ, đúng quy định các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh đối với lái xe, phụ xe; chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ việc vận chuyển hàng hóa tại địa bàn mình phụ trách, đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu cung - cầu hàng hóa trong phòng, chống dịch bệnh.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và các địa phương đảm bảo quản lý chặt chẽ và có kế hoạch cụ thể vận chuyển hàng hóa đi, đến, cung ứng đầy đủ hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; đặc biệt lưu ý phối hợp Sở Xây dựng cung ứng đầy đủ vật liệu xây dựng đảm bảo thi công các công trình, dự án kịp thời; xây dựng kịch bản cụ thể về nhu cầu hàng hóa trong từng tình huống cụ thể. Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý giá cả, xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, tăng giá; chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất, hướng dẫn người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp; phối hợp với Sở Công thương trong việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, theo dõi, quản lý vật tư đầu vào ngành nông nghiệp, đảm bảo giá cả tốt nhất cho người dân.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phối hợp với các sở, ngành liên quan (bảo hiểm xã hội, liên đoàn lao động...) hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê chính xác các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 (công nhân, người lao động thời vụ, lao động giản đơn không có hợp đồng, người bán vé số...) để hỗ trợ đảm bảo  đầy đủ, công khai minh bạch, nhanh chóng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ các đối tượng có tính chất đặc thù riêng tại địa bàn tỉnh.

Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người lao động, nhất là chính sách thất nghiệp; phối hợp rà soát tình hình công nhân lao động để đề xuất các chính sách hỗ trợ cụ thể từng đối tượng.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý chặt đối tượng đến/về địa phương, khai báo cụ thể; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là trật tự an toàn giao thông các điểm, chốt tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, tại các khu cách ly tập trung. Tăng cường quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự; xử lý nhanh, nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân biết để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự; ngăn chặn, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép; rà soát đối tượng, chủ động trong việc quản lý đối tượng cách ly tập trung, các khu cách ly; thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, tuyên truyền để người dân đồng thuận chấp hành; huy động các lực lượng tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao liên quan Chiến dịch tiêm vắc xin; báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh liên quan nguồn kinh phí tiếp nhận người từ nước ngoài về, quản lý người thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc; tham mưu làm tốt vai trò cơ quan đầu mối cung cấp thông tin chính thống về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí và tuyên truyền đến người dân; tham mưu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương hoàn thành phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, khẩn trương hoàn thành  các Phương án ứng dụng công nghệ thông tin công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành theo từng cấp độ trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các địa phương chỉ đạo ngay tổng rà soát những người về từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch bệnh; thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại gia đình theo đúng quy định (tại điểm 1 Công văn này), tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để có phương án phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp; chỉ đạo từng ấp, khóm quản lý chặt chẽ các xe kinh doanh, dịch vụ của từng hộ gia đình nhằm tránh lây lan dịch bệnh; quản lý địa bàn, người cách ly đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phuơng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy định "5K", xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp các ngành của tỉnh để theo dõi, quản lý chặt chẽ, thông tin, báo cáo, đề xuất các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch. Có phương án phù hợp hỗ trợ những vùng cách ly và các gia đình được thực hiện cách ly về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện không tiếp nhận thủ tục hành chính công trực tiếp, chuyển sang tiếp nhận, giải quyết qua môi trường mạng; đối với các thủ tục không thực hiện qua mạng thì gửi và nhận giải quyết qua bưu điện; việc thực hiện nêu trên phải thông tin đến từng người dân và doanh nghiệp biết (thực hiện cho đến khi có chỉ đạo mới); đồng thời, điều chỉnh quy định về thời gian tiếp nhận và trả kết quả phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Chỉ đạo các địa phương, các ngành, đặc biệt là Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh có kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng tiến độ, theo từng kịch bản cụ thể; chỉ đạo ngành Y tế và các ngành chức năng rà soát ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định (nhất là những người quản lý sản xuất, những người phải thường xuyên đi lại và tiếp xúc với người khác khi làm nhiệm vụ, những doanh nghiệp có đông công nhân...).

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp ngành chức năng và các địa phương điều phối việc hỗ trợ tiền, quà cho các đối tượng, các khu vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đảm bảo phù hợp.

Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trực tiếp chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình. Xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu để xảy ra dịch bệnh tại địa phương, đơn vị do lỗi thiếu trách nhiệm, chủ quan, lơ là, không quyết liệt, không thực hiện đúng, đủ nội dung, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các đảng bộ trực thuộc tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình, địa bàn, cùng với địa phương chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch, không để bị động, bất ngờ, sai sót.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh và Trung ương trên địa bàn tăng cường tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin, với nhiều hình thức, để mọi người dân hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng nhằm góp phần ngăn chặn, phòng chống có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc Công văn này. Báo cáo kịp thời, chính xác các nội dung liên quan chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch về Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bài: Phòng PBGDPL

Ảnh: Internet