Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Về hình thức xử phạt, Nghị định này quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:

- Buộc thu hồi giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

- Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi…

Đối với vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau: Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, sec bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

 Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trong trường hành vi này đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì mức phạt được áp dụng là từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng sẽ bị xử phạt như sau: phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ; phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với chăn nuôi trạng trại quy mô nhỏ; chăn nuôi trang trại quy mô vừa bị phạt từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng; và đối với trang trại quy mô lớn thì mức phạt này là 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng./.

 

Thảo Anh