Theo đó, Thông tư quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; phải bảo đảm an toàn cho người khiếu nại, người tố cáo; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phạm vi giải quyết khiếu nại trong toà án nhân dân:

- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ;

- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý tài sản công;

- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND;

- Khiếu nại quyết định kỷ luật công chức, viên chức và người lao động trong TAND;

- Khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại Điều 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Khiếu nại quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong TAND liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường oan, sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị trong TAND, của người có thẩm quyền trong TAND về quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động khác của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tố cáo trong TAND:

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc TAND các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong TAND trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

- Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong TAND vi phạm chuẩn mực, phẩm chất đạo đức, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán,...

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

- Chánh án TAND cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau:

+ Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh;

+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án TAND cấp huyện, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Chánh án TAND  cấp cao giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp cao.

          - Chánh án TAND tối cao giải quyết các khiếu nại sau:

+ Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh TAND tối cao;

+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND cấp cao, của công chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND cấp cao đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Thẩm quyền giải quyết tố cáo:

- Chánh án TAND  có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị thuộc TAND; hành vi vi phạm của công chức hoặc người không phải là công chức do mình trực tiếp quản lý được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại Điều 14 và Điều 21 của Luật Tố cáo.

- Trường hợp công chức hoặc người lao động được biệt phái thì thẩm quyền được xác định như sau:

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời gian công tác trước khi biệt phái thì Chánh án TAND quản lý trực tiếp tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, Chánh án TAND nơi công chức hoặc người lao động được biệt phái đến có trách nhiệm phối hợp giải quyết;

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác tại TAND nơi công chức hoặc người lao động được biệt phái đến thì Chánh án TAND  nơi công chức hoặc người lao động đang công tác giải quyết.

- Đối với công chức hoặc người lao động đã chuyển công tác, sau đó mới xác định có hành vi vi phạm tại cơ quan, đơn vị đã công tác thì Chánh án TAND quản lý trực tiếp công chức hoặc người lao động tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, Chánh án TAND nơi công chức hoặc người lao động đang công tác có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

Quỳnh Anh