Tại Điều 40 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định bốn hình thức đấu giá bao gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến.

Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản, theo đó hình thức đấu giá trực tuyến được quy định như sau:

Thứ nhất, nguyên tắc đấu giá trực tuyến phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; bảo mật về tài khoản truy cập, thông tin về người tham gia đấu giá; bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn, an ninh mạng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thứ hai, việc tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến:

Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá thì Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản phân công, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến.

Chi phí thuê tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại Luật đấu giá tài sản.

Thứ ba, trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến:

 Tổ chức đấu giá tài sản đăng tải Quy chế cuộc đấu giá trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.

Người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản truy cập; được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá trực tuyến; người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản của mình và thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã được công bố.

Tại thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, đấu giá viên được phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến xác định người trúng đấu giá như sau: Trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức trả giá lên thì người trúng đấu giá là người có mức trả giá cao nhất được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận tại thời điểm kết thúc việc trả giá. Trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức đặt giá xuống thì người trúng đấu giá là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận.

Kết quả xác định người trúng đấu giá công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.

Kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống đấu giá trực tuyến và được gửi vào địa chỉ điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến.

Thứ tư, thông báo kết quả đấu giá trực tuyến: 

Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thông báo kết quả đấu giá cho người trúng đấu giá ngay sau khi có kết quả đấu giá trực tuyến. Thông báo phải ghi rõ các thông tin về tài sản đấu giá, thời điểm bắt đầu và kết thúc việc trả giá, thời điểm hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận giá trúng đấu giá.

Thứ năm, biên bản cuộc đấu giá trực tuyến:

Biên bản cuộc đấu giá trực tuyến phải ghi nhận thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá, thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, số người tham gia đấu giá, giá trúng đấu giá, người trúng đấu giá. Diễn biến của cuộc đấu giá được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận phải được trích xuất, có xác nhận của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến và đính kèm biên bản đấu giá. Biên bản đấu giá phải được lập tại thời điểm kết thúc việc trả giá và có chữ ký của đấu giá viên, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến, người ghi biên bản, người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì biên bản đấu giá còn phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng. Biên bản đấu giá được gửi cho người trúng đấu giá để ký. Việc sử dụng chữ ký số trong biên bản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Ngoài ra, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, việc thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến nhằm đảm bảo hình thức đấu giá trực tuyến được thực hiện khách quan theo quy định của pháp luật.

Thanh Long