Hiện tại, có nhiều văn bản pháp luật quy định việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm như Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm… Riêng đối với việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm được quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019.

Nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải bảo đảm phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn. Ngoài ra, chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ:

- Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm soát theo các quy định tại Thông tư này;

- Tăng cường việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng;

- Hỗ trợ trong sản xuất, vận chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp.

Phụ gia thực phẩm phải được tự công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường (trừ các loại phụ gia thực phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 24/2019/TT-BYT và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm). Đối với các sản phẩm có chứa phụ gia thì việc ghi nhãn phụ gia thực phẩm thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và các văn bản khác có liên quan.

Việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và quản lý về phụ gia trong chế biến thực phẩm luôn là vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành nỗ lực hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm nhằm bảo đảm thực phẩm cung cấp trên thị trường đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng./.

Thanh Long