Để cụ thể hóa quy định về quyền có quốc tịch của công dân Việt Nam, Điều 31 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định:

"1. Cá nhân có quyền có quốc tịch.

 2. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định.

 3. Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật".

          Việc cụ thể hóa quyền có quốc tịch của công dân tại BLDS năm 2015 cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền và lợi ích của công dân. Công dân mang quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của công dân đó với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước ta đối với công dân.

          Tại Điều 2 Luật Quốc tịch năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014  (sau đây gọi tắt là Luật Quốc tịch) khẳng định "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ  nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam". Pháp luật đã khẳng định mọi công dân Việt Nam không kể giới tính, dân tộc, tôn giáo đều bình đẳng với nhau về quyền được mang quốc tịch Việt Nam. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (trừ những trường hợp đặc biệt do Luật Quốc tịch có quy định khác). Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam và được Nhà nước bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Nhà nước có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước.

          Khi một công dân được sinh ra và đăng ký khai sinh thì việc xác định quốc tịch tại thời điểm đăng ký khai sinh. Căn cứ để xác định một người mang quốc tịch Việt Nam bao gồm:

          * Do sinh ra theo quy định tại Điều 15, 16, 17 của Luật Quốc tịch như:

          - Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

          - Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

          -  Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

          * Được nhập quốc tịch Việt Nam: Đây là những trường hợp cá nhân không có quốc tịch Việt Nam nhưng được nhập quốc tịch Việt Nam khi thỏa mãn các điều kiện do Luật Quốc tịch quy định.

          * Được trở lại quốc tịch Việt Nam: Đây là trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Những người thuộc trường hợp này có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định như: Xin hồi hương về Việt Nam; Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài (Điều 23 Luật Quốc tịch).

          * Một số trường hợp khác được có quốc tịch Việt Nam như:

          - Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 18 Luật Quốc tịch).

          - Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ. Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ. Trường hợp cha hoặc mẹ được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ không thỏa thuận bằng văn bản về việc giữ quốc tịch nước ngoài của người con (Điều 35 Luật Quốc tịch).

          - Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi. Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn các điều kiện quy định (Điều 37 Luật quốc tịch).

          * Có quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

          Quốc tịch là yêu tố nhân thân rất quan trọng của mỗi cá nhân. Đây là điều kiện để Nhà nước bảo đảm quyền lợi hay có chính sách ưu đãi đối với công dân của nước mình. Điển hình như quyền được bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam. Pháp luật thừa nhận và hướng đến mục tiêu chính là bảo hộ quyền lợi cho những công dân mang quốc tịch Việt Nam.

          Mặc dù Nhà nước bảo hộ quyền có quốc tịch của công dân, tuy nhiên, mọi hành vi vi phạm của công dân về quốc tịch đề bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi vi phạm quy định về quản lý quốc tịch bị áp dụng mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này; giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.  Biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, các điểm a và c khoản 2 Điều 46 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 46 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

 

Thanh Long