Chế định này cho thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, điều hành, quản lý toàn diện các hoạt động của cơ quan, đơn vị, đòi hỏi người đứng đầu phải có tính bao quát cao, am hiểu pháp luật trên nhiều lĩnh vực trong điều hành công việc. Theo đó, người đứng đầu có thể phải chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành về "Trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm liên đới khi để xảy ra sai phạm của đơn vị cấp dưới trực tiếp”. Luật Tố cáo hiện hành cũng có quy định về thẩm quyền của người giải quyết tố cáo (ở đây đề cập đến lĩnh vực giải quyết tố cáo) liên quan đến ngành nghề lĩnh vực quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ khi có phát sinh tố cáo… mặt nhiên, chúng ta hiểu rằng người giải quyết tố cáo  không ai khác là người đứng đầu của một cơ quan, đơn vị được nhà nước trao quyền để thực hiện quyền trong giải quyết tố cáo của công dân và các chủ thể khác.

 Để nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người gỉải quyết tố cáo trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc, Luật Tố cáo đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo.

- Người giải quyết tố cáo có các quyền: Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được; yêu cầu người tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; kết luận về nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ: Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo; Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

Như vậy, cho thấy: Quyền, nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo được pháp luật tố cáo quy định khá rõ và cụ thể. Trong số các quyền của người giải quyết tố cáo, đáng lưu ý là quyền yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được; yêu cầu người tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo. Vì những quyền này đã giúp cho người giải quyết tố cáo có được những thông tin cần thiết, có điều kiện mở rộng xác minh, thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, theo đó cũng rà soát, đối chiếu đánh giá, phân loại chất lượng thông tin do người tố cáo cung cấp  là có chính xác, đáng tin cậy, hoặc thông tin không chính xác … để từ đó có cơ sở để nhận xét, đánh giá chứng cứ một cách chính xác, khách quan, toàn diện khi ban hành kết luận giải quyết tố cáo được khách quan, đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh, người giải quyết tố cáo cần lưu ý đối với nghĩa vụ của mình, là: “ phải bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra”, vì đây là yếu tố hết sức nhạy cảm và quan trọng đối với người giải quyết tố cáo; bởi lẽ: trong công tác giải quyết tố cáo là hết sức phức tạp, độ tìm ẩn chứng cứ về hồ sơ, nhân chứng về con người có thể kéo dài qua nhiều năm tháng, phát sinh trên nhiều lĩnh vực trong quản lý nhà nước … do vậy, đòi hỏi người giải quyết tố cáo phải có kiến thức rộng, am hiểu đa dạng nhiều lĩnh vực và nếu trong quá trình giải quyết tố cáo thiếu thận trọng đến khi ban hành kết luận giải quyết tố cáo sẽ dẫn đến tính thiếu chính xác, thiếu khách quan gây hậu quả cho người bị tố cáo, như: về uy tín, danh dự, nhân phẩm, vật chất, có khi ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị bản thân của người bị tố cáo … đây là một nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo cần quan tâm mà đã được Luật tố cáo quy định. Do đó, trong thực hiện công việc đòi hỏi người giải quyết tố cáo phải hết sức thận trọng trong quá trình giải quyết tố cáo. Trên thực tế xã hội diễn ra hàng ngày mọi chúng ta thỉnh thoảng cũng đều nghe, thấy được việc bồi thường thiệt hại, oan sai trong những kết luận thiếu chính xác, trái quy định pháp luật … trong giải quyết tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại cùa một số cơ quan hành chính  nhà nước; nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò, trách nhiệm của  người đứng đầu của một cơ quan, đơn vị khi có những vụ việc, lĩnh vực của cơ quan mình quản lý còn chưa nắm rõ hết được bản chất vấn đề, các quy định pháp luật liên quan, chỉ cần sơ xuất nhỏ sẽ  dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Để làm tốt hơn công tác giải quyết tố cáo, phát huy hết những quyền, nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo được pháp luật quy định, cần tập trung một số vấn đề quan tâm trong hướng tới, đó là:

- Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, nâng cao hơn nữa về năng lực chuyên môn, coi trọng và làm tốt công tác giải quyết tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

- Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, vì đây là yếu tố quan trọng giúp cho người giải quyết tố cáo sớm làm sáng tỏ vấn đề của nội dung tố cáo.

- Giải quyết tố cáo phải kịp thời, kết luận nội dung tố cáo đúng quy định pháp luật tránh tình trạng thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan, bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh.

Vấn đề giải quyết tố cáo hiện nay Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này và không ngừng đẩy mạnh, nâng cao tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác này còn giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện những sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế những khiếu kiện, tố cáo vượt cấp. Thực tiễn cũng cho thấy nếu vụ việc xảy ra thuộc phạm vi, chức năng quyền hạn của mình kịp thời xem xét và giải quyết đúng quy định pháp luật thì cá nhân, tổ chức đồng tình chấp thuận và chấm dứt tố cáo tiếp. Nếu chúng ta không giải quyết hoặc giải quyết thiếu chính xác, không đúng theo quy định pháp luật thì tình trạng tố cáo tiếp lên cấp trên và  sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp hơn. Do đó, đặt ra yêu cầu đối với người giải quyết tố cáo là cần phải giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, đúng pháp luật không để vụ việc dây dưa, kéo dài hay đùn đẩy lên cơ quan nhà nước cấp trên./.

   

                                                                                       Kiến Quốc