Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và hạn chế được nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài không có hồi kết, gây bức xúc trong dư luận.

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.

Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:

1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

5. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này.

6. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

7. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

9. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.

Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và việc ghi chép chỉ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và nội dung đã ghi chép phải được bảo mật.

- Người có quyền yêu cầu hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Người khởi kiện, người yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Sau khi nhận đơn Tòa án tiến hành xem xét đơn trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, đơn khiếu kiện hành chính. Nếu đơn thuộc thẩm quyền của Tòa án và không thuộc các trường hợp không hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên. 

- Người có quyền từ chối hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: Người khởi kiện, người yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính và người bị kiện. Trong đó, đối với người khởi kiện, người yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên thì phải trả lời cho Tòa án biết về việc đồng ý hoặc không đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa; Đối với người bị kiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Tòa án về chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại thì phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Người có quyền yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án: Người khởi kiện, người yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính và người bị kiện. Tuy nhiên, để yêu cầu công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành tại tòa án thì các đương sự phải qua ít nhất hai phiên họp. Thứ nhất, là phiên hòa giải, đối thoại với thành phần gồm: Hòa giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch và người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết (Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án). Thứ hai, phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải đối thoại với thành phần gồm: Hòa giải viên; Các bên, người đại diện, người phiên dịch; Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết và Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (Điều 28 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

- Để được công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án phải có đủ các điều kiện đó là: Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất; Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Tóm lại, vụ việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ. Quyết định công nhận kết quả có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc thi hành các nội dung thỏa thuận được dễ dàng và giảm bớt việc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết./.

Đức Bính