Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chậm nhất là ngày 28/4/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.

Cho đến nay, trải qua một quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành. Đây là những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới. Ước tính sẽ có khoảng 1.000 ứng cử viên để cử tri lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nguyên tắc: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 đại biểu; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 6 đại biểu.

Theo luật định, ngay sau khi công bố danh sách các ứng viên chính thức, quá trình vận động tranh cử sẽ bắt đầu và kéo dài đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Đáng chú ý, trong quá trình vận động tranh cử, các ứng cử viên sẽ được tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức cho người ứng cử đại biểu Quốc hội  và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

Như vậy, đây là đợt sát hạch cuối cùng đối với tất cả các ứng cử viên trước khi cử tri bỏ lá phiếu quyết định ứng cử viên nào sẽ được tín nhiệm trở thành người đại biểu của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp Trung ương đến địa phương.

Với mỗi cử tri, việc tham gia bầu cử của cử tri không chỉ là quyền, mà còn thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân đối với Nhà nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XII.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XII khẳng định, cử tri cần sáng suốt lựa chọn các đại biểu có đức, có tài đại diện cho Nhân dân tại cơ quan dân cử. Trong đó, phẩm chất nổi bật đối với đại biểu của cơ quan dân cử đó là có dũng cảm, dũng khí đứng trước mọi vấn đề của xã hội, đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đang của người dân. Đại biểu dân cử có những yêu cầu khác so với cán bộ của các cơ quan khác của Nhà nước. Nhà nước Việt Nam phân ra 3 nhánh quyền lực rõ ràng đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở địa phương cũng có nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó, cơ quan lập pháp ở địa phương chính là Hội đồng nhân dân các cấp. Yêu cầu phẩm chất của đại biểu dân cử có khác với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Cụ thể là đại biểu cơ quan dân cử cần đảm bảo thời gian vật chất để làm việc. Trước đây, đại biểu cơ quan dân cử chủ yếu làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, như vậy vô hình chung chúng ta coi nhẹ công tác lập pháp, công tác giám sát tối cao cũng như quyết định các vấn đề quan trọng. Bởi đại biểu dân cử có giỏi đến đâu nhưng thời gian vật chất không đủ thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu với chất lượng cao. Đây là lý do Đảng Quốc hội yêu cầu cần tăng số lượng đại biểu chuyên sách, tuy nhiên, tăng số lượng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: tăng chất lượng nhưng không phải vì cơ cấu cho đẹp, đầy đủ mà chất lượng kém. Trước hết phải coi trọng chất lượng để đảm bảo thực hiện được chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất đó là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Đây và vấn đề quan trọng nhất trong nhánh quyền lực của Nhà nước.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XII cũng cho rằng việc đảm bảo cơ cấu, thành phần đại biểu trong Quốc hội là rất quan trọng, tuy nhiên cũng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Viết Chức cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc đi nhắc lại quan điểm phải chọn đại biểu có chất lượng, không đặt nặng cơ cấu, thành phần cho đẹp, cho đủ mà bỏ qua chất lượng. Chọn đúng đại biểu có chất lượng, có tài, có đức thì cách mạng được nhờ, Nhân dân được nhờ, Đảng được nhờ. Như vậy, việc chọn đại biểu xứng đáng là việc làm hết sức quan trọng. Bác Hồ đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, nếu chúng ta chọn không đúng người thì sẽ hạn chế sự phát triển của cơ quan dân cử vấn đề này càng đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội sắp tới, bởi việc chọn ra đại biểu dân cử có chất lượng sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, để đảm bảo yêu cầu cao của thời kỳ cách mạng mới.

GS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII.

Trao đổi với phóng viên về phẩm chất cần có của đại biểu Quốc hội, GS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội được giao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ của Quốc hội, bản thân đại biểu Quốc hội cần có đủ tầm nhìn để thấu hiểu được những vấn đề hệ trọng. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội phải được phát huy trên cơ sở nghiền ngẫm, nghiên cứu đưa ra các quyết định của mình.

Đại biểu Quốc hội đại diện cho tất cả thành phần, vùng miền của đất nước, do vậy, đại biểu phải nâng tầm hiểu biết, trình độ, ý chí về chính trị, vai trò nhiệm vụ của Quốc hội với chuyên môn nghiệp vụ của mình. Do vậy, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự nâng tầm hiểu biết, kiến thức, thầm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng để xứng đáng là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri.

Việc lựa chọn những đại biểu thay mặt cử tri đồng bào cả nước để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và thay mặt cho cử tri, Nhân dân ở địa phương quyết định những nội dung quan trọng của địa phương trong chặng đường 5 năm 2021-2026. Vì vậy mỗi cử tri cần nghiên cứu kỹ tiểu sử từng ứng cử viên, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ Nhân dân để có sự lựa chọn đúng người, đúng việc, có tâm, có tầm để có thể gánh vác trọng trách quan trọng trong một nhiệm kỳ 05 năm.

Nguồn từ:hoidongbaucu.quochoi.vn