Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Đề án đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, thượng tôn pháp luật đối với người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, góp phần thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trong Đề án, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) chủ động thực hiện nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); triển khai thực hiện đồng bộ Luật PBGDPL; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL.

(Cơ quan chủ trì Đề án tổ chức 53 lớp tập huấn kỹ năng khai thác vận hành phần mềm quản lý lao động - ảnh minh họa)

Sở LĐTB-XH phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thuộc phạm vi quản lý nhằm cụ thể hóa các nội dung của Bộ Luật lao động vào chương trình hành động và nhiệm vụ hàng năm để chủ động có kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện các qui định của Bộ Luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Sở LĐTB-XH đã tổ chức 40 cuộc tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các văn bản của Trung ương đến hơn 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị, với hình thức tuyên truyền miệng, lồng ghép vào trong các cuộc họp cơ quan, đơn vị, các cuộc họp giao ban, chào cờ đầu tuần và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH còn ký kết Chương trình phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL; tổ chức 53 lớp tập huấn kỹ năng khai thác vận hành phần mềm quản lý lao động, công tác tư vấn cai nghiện ma túy, mô hình phòng chống mại dâm, tệ nạn xã hội; tuyên truyền pháp luật về lao động, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho hơn 3.900 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên LĐTB-XH cấp huyện, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện, thành viên các điểm tư vấn cai nghiện ma túy, cán bộ chủ chốt các cấp, đoàn viên, hội viên và người lao động tại các Công ty, doanh nghiệp; sửa chữa và lắp đặt mới 07 cụm panô tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội đặt tại các xã, phường, thị trấn có nhiều tệ nạn xã hội hoặc có nguy cơ cao phát sinh tệ nạn xã hội. Duy trì hoạt động của “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn Phường 4, thành phố Cà Mau, trung bình mỗi năm có trên 100 lượt người nghiện và gia đình người nghiện đến yêu cầu tư vấn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể Phường, tiếp nhận và quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tư vấn nghề cho người sau cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng “giai đoạn 2018 - 2020”, Sở LĐTB-XH còn chủ trì, phối hợp tổ chức 03 lớp tập huấn bồi dưỡng giảng viên nguồn về kỹ năng tuyên tuyền từ tỉnh đến cơ sở với 243 lượt cán bộ tham dự. Tuyên truyền tư vấn trực tiếp 19 cuộc tại 6 huyện và một số xã, phường trên địa bàn tỉnh, có trên 4.000 lượt lao động và người dân tham gia. Phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức 04 cuộc tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho 1.105 sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh và thanh niên tại các huyện Cái Nước, U Minh và Trần Văn Thời. Phát hành trực tiếp tại các buổi tuyền thông 65.000 tờ rơi giới thiệu việc làm ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Trên nền tảng kết quả đạt được, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, Sở LĐTB-XH tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức pháp chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức pháp chế; đảm bảo cho đội ngũ công chức pháp chế có trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác PBGDPL. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong công tác PBGDPL. Xây dựng và hoàn thiện trang thông tin điện tử của Sở, coi đây là phương tiện phục vụ đắc lực cho công tác pháp chế. Cập nhật, đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực để nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện. Tạo mục hỏi đáp pháp luật để giải đáp các vướng mắc của cơ quan, tổ chức, công dân về các chính sách pháp luật trong ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả./.

Phú Toàn