Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa áo dài – di sản văn hóa Việt Nam trong các tầng lớp xã hội và hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận áo dài là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sáng ngày 1/3/2021, nữ công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp đã mặc áo dài truyền thống khi đi làm và sẽ tập trung đồng loạt mặc áo dài vào ngày 8/3/2021 nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài nơi công tác, nơi sinh sống, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động cũng như thực hiện Kế hoạch số 16-KH/CĐCS ngày 26/02/2021 của BCH Công đoàn cơ sở Sở Tư pháp về việc tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1981 năm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Tập thể nữ Phòng công chứng số 01

Áo dài Việt Nam là trang phục truyền thống và là biểu tượng về nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp nói riêng như đẹp hơn, mềm mại, thanh thoát và tự tin hơn.

Tập thể nữ khối Văn phòng sở

Có thể nói, từ xưa đến nay, chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là sự dịu dàng, nền nã, trung hậu, đảm đang và vẻ đẹp ấy được toát lên mạnh mẽ qua chiếc áo dài truyền thống.

Trân trọng, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam, thời gian qua nữ công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp luôn sử dụng trang phục áo dài trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và các hoạt động do Công đoàn tổ chức. Bằng tài năng, trí tuệ và sự tự tin, đằm thắm của mình, chị em đã hoàn thành xuất sắc vai trò người xây tổ ấm ở gia đình và góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước./.

Phạm Thảo