Khi phổ biến, giáo dục pháp luật thì một trong những yêu cầu quan trọng chính là chuyển tải chính xác các quy định pháp luật nhưng đồng thời phải có hình thức, cách thức sinh động, tránh gây nhàm chán cho người tiếp cận. Đây cũng là khó khăn chung cho các Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thể vừa tuyên truyền, phổ biến chính xác các quy định pháp luật vừa có thể thu hút, hấp dẫn được các đối tượng được phổ biến pháp luật.

 (Giao diện website thi tìm hiểu pháp luật )

Hiện nay, các hình thức tuyên truyền, phổ biến được thực hiện chủ yếu thông qua: hội nghị, tọa đàm, đối thoại, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tài liệu phổ biến pháp luật, tin, bài phóng sự chuyên đề về pháp luật, qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã....

Qua thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bản tỉnh Cà Mau cho thấy:

- Thứ nhất: Muốn các quy định pháp luật đến và ở lại với người dân thì trước hết các quy định pháp luật đó là các quy định mà người dân đang có nhu cầu tìm hiểu (trường hợp chủ động tiếp cận);

- Thứ hai: Việc truyền tải các quy định pháp luật phải cuốn hút, thu hút và tạo sự hấp dẫn cho người được phổ biến, khi đó cách truyền tải các quy định pháp luật phải được mềm hóa, linh hoạt và thường xen lẫn các tình tiết, yếu tố xung đột liên quan đến các lĩnh vực thực hiện tuyên truyền, phổ biến (trường hợp tiếp cận thụ động).

Đối tượng phổ biến chiếm tỷ lệ lớn hơn thường thuộc về nhóm đối tượng tiếp cận thụ động. Chính vì vậy, khi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi phải có sự đầu tư, đa dạng trong các hình thức triển khai, cách thức triển khai và nội dung triển khai phải bám sát từng nhóm đối tượng. Để đổi mới phương phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2021 Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Viễn thông Cà Mau xây dựng phần mềm thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đưa vào hoạt động từ ngày 01/4/2021, đến nay Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã tổ chức 03 Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút gần 20.000 người tham gia thi với gần 50.000 lượt thi. Nổi bật là cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng đang diễn ra, sau 06 ngày phát động đã thu hút hơn 3000 người tham gia thi và hơn 20.000 lượt thi, với không khí sôi nổi hào hứng, cạnh tranh của các thí sinh, hứa hẹn số người tham gia và lượt thi sẽ còn tăng cao. Được biết, từ nay đến cuối năm 2021, Sở Tư pháp sẽ tổ chức thêm 03 cuộc thi nữa.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi: Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao và thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia. Với hình thức này, đối tượng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khi tiếp cận pháp luật không có cảm giác khô cứng, tìm hiểu để đối phó mà có cảm giác như đang tích lũy các kiến thức để tham gia vào một sân chơi, để thể hiện mình và để giao lưu, chia sẻ những kiến thức mà mình có. Tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi và thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu pháp luật của những người tham gia. Biến từ thụ động tiếp cận pháp luật sang trạng thái chủ động tiếp cận pháp luật. Từ đó, các quy định pháp luật dần đi vào nhận thức của người tham dự cuộc thi một cách chủ động, tự nguyện và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Việc tổ chức các cuộc thi còn tạo ra sức cạnh tranh, lan tỏa nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong không gian, thời gian và đối tượng rộng, dài và lớn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các giải thưởng của cuộc thi cũng khích lệ, động viên người tham dự cố gắng phấn đấu tốt hơn tại các cuộc thi sau, tìm hiểu pháp luật và gắn pháp luật với đời sống nhiều hơn. Đây chính là những hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đem lại và hiệu quả hơn so với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác.

Có thể nói rằng, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật là sân chơi bổ ích để trao dồi kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn ý nghĩa các quy định pháp luật; giúp việc truyền tải các quy định pháp luật gần gũi, thu hút hơn đối với người tiếp cận. Khuyến khích, tạo khí thế thi đua trong tìm hiểu các quy định pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

 

Đăng Khoa