Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu lý lịch tư pháp gồm có 2 loại là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Trong đó, Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 là phiếu cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức; Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là loại phiếu cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng (gồm Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó nắm được nội dung về lý lịch tư pháp của bản thân mình.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, các cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Theo đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp: Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

Qua theo dõi, việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân ngày càng tăng, tính từ khi thực hiện Luật Lý lịch tư pháp đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cấp gần 34.000 trường hợp yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Hiện nay, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản pháp luật khác. Cụ thể như:

Theo điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ”.

Tại Điều 5 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định: Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã; Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi; Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài và của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Đối với lĩnh vực công chứng và luật sư cũng quy định trong hồ sơ khi dề nghị bổ nhiệm công chứng viên (khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng năm 2014) hoặc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (khoản 8 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012) phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, cả hai văn bản Luật nêu trên không quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp (Phiếu lý lịch tư pháp được cấp từ thời điểm nào, trước khi nộp hồ sơ). Ngoài ra, trong tuyển dụng công chức hiện nay, quy định về thành phần hồ sơ phải có Phiếu Lý lịch tư pháp nhưng không nêu rõ là Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp từ thời điểm nào.

Qua sự phân tích nêu trên cho thấy, các văn bản pháp luật hiện hành của nước ta không quy định cụ thể, thống nhất về thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp; thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tình trạng án tích của đương sự. Từ đó, tình hình yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, cá nhân ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc tra cứu, xác minh cấp Phiếu lý lịch tư pháp./. 

Thảo Anh