Trên thực tế không ít vụ án tranh chấp kéo dài nhưng rồi bị đình chỉ chỉ vì lý do hết thời hiệu khởi kiện, nên việc nắm vững về thời gian được khởi kiện sẽ góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật Tố tung dân sự (BLTTDS) năm 2015 và khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Từ thực tiễn cho thấy chưa có sự nhận thức đúng cũng như áp dụng thống nhất về thời hiệu khởi kiện dẫn đến việc giải quyết các vụ án chưa chính xác. Để việc áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện được chính xác, phù hợp với từng loại tranh chấp và thời điểm phát sinh tranh chấp, căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện cần phân biệt theo thời gian khởi kiện, thụ lý giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

Trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/01/2017 nhưng chưa giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của BLTTDS năm 2011 và của BLDS năm 2005 để giải quyết.

Ví dụ: Ngày 10/5/2011, A ký hợp đồng với B vay số tiền 200 triệu đồng, thời hạn vay 03 tháng, lãi suất 10%/năm. Sau khi nhận tiền vay, A trả được 1 kỳ trả gốc và lãi, sau đó không trả. Ngày 05/10/2015, B khởi kiện ra Tòa án yêu cầu buộc A trả nợ gốc và lãi trong hạn, lãi quá hạn. Ngày 25/10/2015, Tòa án thụ lý, quá trình giải quyết, Tòa án đã hai lần ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015. Tháng 8 năm 2019, Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thời điểm B khởi kiện là 05/10/2015, ngày Tòa án thụ lý là ngày 25/10/2015, đến năm 2019 vụ án vẫn đang được giải quyết. Vậy theo quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện thì vụ án trên cần áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Tố tung dân sự năm 2011 để giải quyết. Theo đó tranh chấp vay tài sản thì không xác định thời hiệu nhưng đối với phần lãi nếu quá thời hạn khởi kiện thì không được xem xét, giải quyết (theo Nghị quyết số 03/2012). Do vậy, trong vụ án này, thời điểm phát sinh tranh chấp là 10/8/2011 nhưng đến năm 2015 hơn 04 năm B mới khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện của hợp đồng (thời hiệu khởi kiện 02 năm) nên B chỉ được Tòa án chấp nhận phần yêu cầu trả tiền gốc và bác phần lãi.

Đối với các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được xác lập trước ngày 01/01/2017, nhưng từ ngày 01/01/2017 đương sự mới có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án (tức là từ ngày 01/01/2017 mới phát sinh tranh chấp, yêu cầu) thì Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu của BLTTDS năm 2015 và của BLDS năm 2015 để giải quyết.

Ví dụ: Ngày 10/8/2014, C và H ký hợp đồng mua bán hàng hóa. Ngày 10/7/2015, hai bên phát sinh tranh chấp. Ngày 20/8/2018, H khởi kiện ra Tòa án yêu cầu C thực hiện hợp đồng và bồi thường. Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, ngày 25/9/2018, C yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e, khoản 1, Điều 217 vì lý do “đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”.

Thời hiệu khởi kiện được áp dụng khi có một trong các bên yêu cầu trước khi Tòa án ra bản án thì Tòa án phải xem xét các loại thời hiệu khởi kiện tương ứng với giao dịch do các bên xác lập để áp dụng như: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS 2015); Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 BLDS 2015). Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 BLDS 2015).

Bên cạnh đó có một số trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện như “Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp khác do luật quy định” (Điều 155 BLDS năm 2015).

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự theo Điều 156 BLDS năm 2015:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Như trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì được xem là trương hợp bất khả kháng xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, nên không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại Điều 157 BLDS năm 2015 là: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Tóm lại, để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự chính xác và có căn cứ pháp luật, các đương sự phải nhận thức đầy đủ về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nhằm kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.

Đức Bính