Đề án nhằm xây dựng các giải pháp nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (sau đây viết tắt là TMĐT) một cách có hiệu quả trong tình hình mới. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử…

Mục tiêu chung là hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.

Nhiệm vụ Đề án đặt ra là rà soát, hệ thống hóa và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi pháp luật về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Đề án đề ra một số giải pháp thực hiện cụ thể như sau:

1. Hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng: Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. 

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. 

3. Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. 

4. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan

5. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT

6. Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT

 Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép, kết hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án với các chương trình, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt và triển khai từ trước đến nay. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Duy Linh