Theo đó, Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã; thời hạn kéo dài thời gian ký hợp đồng với cộng tác viên TGPL; đa dạng hóa các hình thức nộp hồ sơ;…

(Nơi tiếp nhận hồ sơ của công dân - Ảnh minh họa)

Trách nhiệm thông tin, giải thích và giới thiệu về trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân của tổ chức, cá nhân là rất cần thiết, trong đó có Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân cấp xã. Theo Điều 17a của Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Như vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã phải giải thích quyền của người được TGPL theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đó là:

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Sau khi giải thích nhận thấy người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thuộc diện người được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì có trách nhiệm giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước và việc giới thiệu được thực hiện theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP.

Bên cạnh đó Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã bổ sung thêm thời gian tối đa đối với thời hạn nộp hồ sơ trong thông báo lựa chọn luật sư là không quá 30 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải. Hồ sơ lựa chọn luật sư gồm: giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL, trong đó có nêu rõ việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật TGPL và giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng; kinh nghiệm tham gia TGPL (nếu có); bản sao thẻ luật sư; các tài liệu khác theo thông báo lựa chọn luật sư (nếu có).

Đối với việc nộp hồ sơ, Thông tư bổ sung thêm hình thức nộp thông qua thư điện tử bên cạnh hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Theo đó, trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử thì thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Trung tâm. Nếu thời điểm hồ sơ gửi đến thư điện tử của Trung tâm ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp.

Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã bãi bỏ quy định về phụ lục hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện TGPL. Tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm tổ chức thẩm định chất lượng vụ việc TGPL; đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công. Việc thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL do người thực hiện TGPL của tổ chức mình thực hiện nhằm có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và các tiêu chí quy định tại Thông tư này. Việc xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả thẩm định chất lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc TGPL.

Từ thực tiễn cho thấy trách nhiệm thông tin, giải thích và giới thiệu về trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân là nhằm giúp cho các đối tượng thuộc diện người được TGPL thực hiện quyền yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật./.

Đức Bính