(Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa xét xử. Ảnh minh họa).

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

Một trong những hoạt động nổi bật của công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là sự tham gia tố tụng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, sự tham gia bào chữa, bảo vệ của các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính đã góp phần giúp Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Đồng thời, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người không có đủ điều kiện mời luật sư bào chữa hoặc không đủ khả năng tự bào chữa. Theo đó, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã xem xét những người tham gia tố tụng trong vụ án có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không và hướng dẫn họ làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 02-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP. Khi có đơn yêu cầu của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh sẽ tiếp cận thông tin, rà soát, kiểm tra và cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Do vậy, các Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã phát hiện ra các chứng cứ, tình tiết quan trọng, góp phần giúp những người tiến hành tố tụng làm sáng tỏ, giải quyết vụ án đúng quy trình tố tụng theo quy định pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết các quy định pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các đương sự. 

Hiện Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau có 17 Trợ giúp viên pháp lý và 19 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng 270 vụ việc, đã thực hiện hoàn thành 100 vụ việc, trong đó có 38 vụ việc thành công, hiệu quả theo tiêu chí được quy định tại phụ lục Ban hành kèm theo Công văn số 98/CTGPL-TC&QLCL ngày 16/3/2021 của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, đạt 38% vụ việc hoàn thành. Các vụ việc chủ yếu ở lĩnh vực án hình sự, án dân sự, hôn nhân gia đình, án hành chính cho các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,... Bằng các hoạt động của mình trong quá trình giải quyết vụ án cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng, góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được TGPL; đồng thời giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm…

Một trong nhiều vụ việc mà sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng đã giúp các đối tượng vi phạm pháp luật thuộc diện trợ giúp pháp lý được giảm nhẹ trách nhiệm dân sự, hình sự đó là:

(1) Vụ việc bị can là L.T.H (sinh năm 1967), trú tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Nước khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 Bộ Luật hình sự có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù. Bị can H là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Tham gia bào chữa tại tòa, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm án cho bị cáo H với các tình tiết giảm nhẹ như: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năng hối cải; hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; chủ động bồi thường một phần cho người bị hại; gia đình có công với cách mạng,... Chấp nhận những đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ Luật hình sự xử phạt bị cáo L.T.H 01 năm 01 tháng 07 ngày tù và được trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

(2) Vụ việc bị can là N.X.Y (sinh năm 2006), cư trú: Sống lang thang trên địa bàn thành phố Cà Mau, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 173 Bộ Luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Bị can Y là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Tham gia bào chữa tại tòa, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm án cho bị cáo Y với các tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năng hối cải; đối tượng vi phạm ở độ tuổi trẻ em (14 tuổi 06 tháng), tâm sinh lý chưa ổn định, hiểu biết về pháp luật và xã hội còn hạn chế;... Chấp nhận những đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 3 Điều 173; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 91, Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo N.X.Y 03 năm tù.

Có thể khẳng định rằng, trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và các đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ được hưởng những lợi ích từ dịch vụ pháp lý này mà còn góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý./.

Đức Bính