Báo chí Cà Mau đã góp phần quan trọng vào công tác PBGDPL của tỉnh.

Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thực hiện công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tuyên truyền trên nền tảng các cơ quan báo chí vẫn là hình thức có tác động tích cực nhất. Cụ thể, công tác tuyên tuyền được thực hiện trên Báo Cà Mau, Báo Cà Mau Online, Cổng thông tin điện tử, Đài PT-TH Cà Mau và Báo Pháp luật Việt Nam… Trong đó, Đài PT-TH Cà Mau là kênh tuyên truyền quan trọng. Sở Tư pháp có sự phối hợp thường xuyên với thời lượng tuyên truyền cố định mỗi tháng lên đến 60 phút. Thông qua Chuyên đề Pháp luật đã chuyển tải kịp thời đến cán bộ và nhân dân trong tỉnh những quy định pháp luật mới, các mô hình hay, những điển hình tiêu biểu trong công tác PBGDPL, từ đó góp phần lan tỏa nhân tố tích cực trong chấp hành và tuyên truyền PBGDPL.

Ngoài ra, trong các Bản tin Thời sự, Đài PT-TH Cà Mau còn phản ánh kịp thời hoạt động tuyên truyền, PBGDPL của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; trên Báo Cà Mau có mục pháp luật cũng là nơi để đưa pháp luật đi vào đời sống thông qua hình thức báo giấy và báo điện tử; Cổng thông tin điện tử tỉnh và Báo Pháp luật Việt Nam cũng đăng tải những hoạt động, các sự kiện tuyên truyền PBGDPL của tỉnh Cà Mau tổ chức. Qua đó, giúp đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh theo dõi kịp thời diễn biến các họat động tuyên truyền PBGDPL.

Ông Trần Hoàng Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp  trả lời phỏng vấn Đài PT-TH Cà Mau trong Chuyên đề Pháp luật.

Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và dẫn dắt dư luận. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Ông Trần Hoàng Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đánh giá: “Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Qua đó, giúp chúng tôi có căn cứ để kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các cấp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Cùng với các cơ quan Báo chí cấp tỉnh, thì hệ thống Truyền thanh cấp huyện còn là cánh tay nối dài của ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL. Để chuyển tải pháp luật đến cán bộ và nhân dân, phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thực hiện các chuyên mục Cuộc sống và Pháp luật, Nhà nước và Pháp luật. Nhà báo Dương Huỳnh Măng – Biên tập viên Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Thới Bình cho biết: “Ở Thới Bình, chúng tôi chọn nội dung tuyên truyền căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, nhu cầu của người dân và những nội dung pháp luật có quan hệ mật thiết với sinh hoạt thường nhật của bà con. Theo đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền pháp luật về Đất đai, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, An toàn giao thông, BHXH, BHYT, Hòa giải ở cơ sở.... Đặc biệt, chúng tôi có hình thức thể hiện dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp thu, nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.

Ông Trần Hoàng Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau khẳng định: “Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố luôn dành thời lượng đáng kể cho các chương trình, chuyên mục tuyên truyền pháp luật. Tùy vào từng thời điểm, đối tượng, đặc thù mỗi nơi mà chọn nội dung tuyên truyền khác nhau. Qua đó, đã nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại và đặc biệt đơn thư khiếu nại vượt cấp, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Pháp luật hiện diện và điều chỉnh hầu như toàn bộ các mối quan hệ của đời sống xã hội. Trong khi đó, nội dung được chuyển tải qua các kênh truyền thông đại chúng ngày càng phong phú, đa dạng với rất nhiều lĩnh vực. Với đặc tính cơ bản là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đi vào cuộc sống, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật./.

Phú Toàn