Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là điều kiện bắt buộc để xã được công nhận nông thôn mới. Việc đánh giá, chấm điểm và công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải căn cứ vào các tiêu chí: tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn luôn ở tỷ lệ trên 90%; sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính được cải thiện rõ rệt; các văn bản pháp luật mới và những quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân; các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở được quan tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, thực hiện nghiêm túc; điều kiện vật chất, cơ sở làm việc của chính quyền các xã được quan tâm đầu tư, đảm bảo diện tích tối thiểu và trang thiết bị làm việc.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp Cà Mau đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch triển khai công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau để triển khai có hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: “Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó ngoài việc phải tuân thủ đúng Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP còn phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với thời điểm, quy trình xây dựng, thẩm định, xét duyệt hồ sơ xã đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm đó”.

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 38/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 37 xã đã có quyết định, còn lại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân đang chờ quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Với tỷ lệ hồ thủ tục hành chính hoàn trả đúng và trước hẹn đạt gần 100%, cả năm 2019 chỉ có 04/6.287 hồ sơ trể hẹn, chiếm tỷ lệ chưa được 0,1%, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 21/8/2020.

Ngoài tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính hoàn trả đúng và trước hẹn đạt cao, thì xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình còn là điểm sáng về công tác hòa giải cơ sở khi tỷ lệ hòa giải thành đạt gần 93%. Với thành tích đó, xã Hồ Thị Kỷ được công nhận xã nông thôn mới ngày 02/10 vừa qua. Đồng chí Lý Minh Vững, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình khẳng định: Việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không chỉ là tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mà đây còn là chiếc gương phản chiếu giúp chính quyền huyện Thới Bình thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để từ đó có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cơ sở; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức xã”.

Kết quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực, không chỉ đáp ứng được các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Quyết định số 619 năm 2017 mà còn giúp chính quyền cấp xã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, điều hành nói chung và quản lý nhà nước về công tác Tư pháp nói riêng. Theo mục tiêu đặt ra, đến hết năm 2020 có thêm ít nhất 03 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn, nâng tổng số toàn tỉnh có từ 41/82 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn, đạt tỷ lệ 50%. Ngoài ra, tỉnh còn phấn đấu công nhận thành phố Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và xây dựng 02 xã Lý Văn Lâm và Tắc Vân, thành phố Cà Mau đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, riêng ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau cũng đã có những giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng chí Trần Hoàng Lộc - Phó Giám độc phụ trách Sở cho biết: “Trong thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Trong đó, tập trung vào công tác Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; Tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ Tư pháp cấp xã; Đặc biệt là tăng cường việc kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời hỗ trợ cấp xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng khi luôn bám sát, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, việc triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn là minh chứng rõ nét, thể hiện vai trò của ngành Tư pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã được xác định có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn./.

Phú Toàn